
Mỗi sáng, chị Lê Thị Bích Hân (31 tuổi, hiện sống tại một trang trại phong lan thuộc xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TPHCM), lại ra vườn thu hoạch những mẻ rau tươi tốt để chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà thưởng thức.
Chị lựa thêm vài bông cúc để trang trí phòng khách vừa đẹp vừa thơm.
![]() |
![]() |
Trồng cây đồng hành
Chị Hân cho hay, khu vườn tràn ngập rau trái và các loài hoa này là thành quả lao động của bản thân sau 4 năm gây dựng.
Giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chị bắt đầu cải tạo mảnh đất ở ngoại ô TPHCM để làm vườn.
Thời điểm ấy, chị có kinh nghiệm trồng lan nhưng kiến thức chăm sóc rau gần như “bằng 0”. Song, nghĩ đến cảnh gia đình có nguồn thực phẩm sạch sử dụng hàng ngày nên chị kiên trì học hỏi.
Sau thời gian, chị đã biết cách chọn giống cây, lên luống, trộn đất làm vườn rau…
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Khu vườn hiện có tổng diện tích khoảng 100m2, được phân chia thành 1 khu trồng rau các loại, xung quanh là cây ăn trái và 1 nhà màng nhỏ để trồng rau mùa mưa, 1 nhà ươm.
Trong vườn hiện có nhiều loại rau ăn lá và cho quả như rau ngót, rau dền, rau muống, đậu bắp, đậu đũa, đậu nành,... Một số giống súp lơ được trồng từ năm trước đến giờ vẫn phát triển tốt.
Cây ăn trái được trồng mỗi loại 1 cây, bổ sung từng năm như roi An Phước, roi xanh Sóc Trăng, roi MST, vú sữa, dâu tằm, chanh vàng, táo, chanh Ấn Độ, mía…
![]() |
![]() |
Điểm thú vị là trong vườn có hàng chục loài hoa rực rỡ khác nhau như cúc vạn thọ, hướng dương, sao nháy, cúc nhám cao và lùn, ngọc hân,...
Đây là cách trồng cây đồng hành - phương pháp trồng trọt lâu đời mà chị Hân áp dụng để làm vườn hiệu quả nhưng tiết kiệm công sức và thời gian.

Theo đó, chị kết hợp trồng các giống cây khác nhau ở gần nhau để hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất, cung cấp bóng râm và hỗ trợ tự nhiên cho thân cây khỏe mạnh, đạt năng suất cao.
"Ví dụ, nếu trồng ngô kết hợp đậu và bí thì đậu sẽ cung cấp đạm cho ngô, bí bò dưới đất ngăn cỏ dại, còn ngô có thân dài cho đậu leo lên", chị Hân cho hay.
![]() |
![]() |
Làm vườn nhẹ tênh
Một số cách trồng đồng hành có hiệu quả khác mà chị vẫn áp dụng là: Trồng xà lách cùng cây gia vị có mùi thơm như kinh giới, xô thơm để đuổi ốc sên; trồng bí ngòi cùng cúc Xuxi vì loài hoa này hấp dẫn các loài côn trùng tới thụ phấn…
Cà chua kết hợp cúc vạn thọ, húng basil, húng quế để tăng năng suất. Hay dưa chuột rất hợp trồng cùng đậu Hà Lan để ngăn sâu bọ phá hoại cây.
Hoa hướng dương thường được ghép chung với ngô, cà tím, đậu, bầu... để thu hút côn trùng thụ phấn và nhện nhảy. Các loại cúc Zinnia, Cosmos, Xuxi sẽ trồng quanh vườn..., vừa đẹp vừa thu hút các loại côn trùng có lợi.
![]() |
![]() |
![]() |
Chị Hân trồng nhiều loài hoa và cây gia vị để thu hút thiên địch như nhện bắt mồi, bọ rùa, bọ ngựa, ong…, từ đó ngăn ngừa côn trùng gây hại.
Bên cạnh đó, chị cũng áp dụng cách dùng mùi để đuổi sâu bọ. Ví dụ như trồng bạc hà để thu hút bọ rùa - loài thiên địch với khả năng xua đuổi và tiêu diệt côn trùng có hại hay kết hợp trồng hành, hẹ, tỏi cùng các loại rau thuộc họ bắp cải và cà rốt để trừ sâu và sên.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
“Hoa được trồng nhiều, bố trí khắp vườn. Trong luống, mình trồng 1-3 cây mỗi loại, còn quanh vườn thì trồng hoa theo cụm, theo hàng.
Tùy từng mùa mà mình bố trí trồng hoa với số lượng khác nhau. Ví dụ, mùa hè mình sẽ trồng cúc nhám và hướng dương nhiều, đến vụ cuối năm chuyển sang tập trung trồng cúc vạn thọ”, chị Hân cho hay.
![]() |
![]() |
![]() |
Nhờ “tuyệt chiêu” trồng cây đồng hành mà nữ gia chủ làm vườn “nhàn tênh”, giảm được một số việc tốn sức.
Chị cũng tiết lộ, khu vườn được canh tác hoàn toàn theo phương thức hữu cơ. Chị tự ủ phân từ cá, rau củ, rác thải nhà bếp hoặc mua phân bò ủ hoai, phân trùn quế.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
4 năm trồng trọt đến nay, chị Hân chinh phục được khoảng 500 loại rau, hoa và cây ăn trái, trong đó nhiều giống có nguồn gốc từ nước ngoài như Mỹ, Nga, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Chị thừa nhận quá trình làm vườn rất vất vả, nhất là giai đoạn đầu tiên khi cải tạo đất, phải dọn dẹp, phát quang rồi mới xới, trộn đất, trồng cây. Tuy nhiên, thành quả nhận về lại xứng đáng.
Không chỉ mang lại nguồn thực phẩm sạch, đa dạng để gia đình sử dụng liên tục, chị Hân còn được thỏa mãn niềm đam mê trồng trọt, tạo không gian sống xanh, đẹp và cải thiện tinh thần.
Ảnh: Lê Thị Bích Hân
