Không thể trở về Việt Nam thăm gia đình và đi du lịch đó đây, vợ chồng chị Trang quyết định tự thiết kế, thực hiện khu vườn Việt tại hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, biến ngôi nhà thành "resort" để du lịch tại gia mỗi ngày.
Rau muống luộc, canh chua sấu, cà pháo, thịt ba chỉ rang cháy cạnh, đậu phụ tẩm hành, cá kho tộ, trứng rán lá ngải... là những món ăn Việt được chị Đỗ Linh chăm chút chuẩn bị cho gia đình tại thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp.
"Bố mẹ chồng và chồng mình không sinh ra ở Việt Nam, nhưng đều là người gốc Việt. 5 năm trước, khi sang làm dâu, mình ấp ủ thực hiện những mâm cơm Việt để gia đình thêm gắn kết với nhau, với văn hóa quê hương còn bản thân mình thì vơi bớt nỗi nhớ Hà Nội. Mình cũng muốn con trai làm quen với ẩm thực Việt để không lạ lẫm mỗi khi về nước", chị Linh tâm sự.
Gần đây, chị Linh chia sẻ hình ảnh những mâm cơm Việt giữa nước Pháp trên mạng xã hội. Không chỉ thu hút người xem bởi hình ảnh đẹp mắt, chỉn chu, chị Linh còn khiến cộng đồng mạng "mắt chữ A, miệng chữ O" khi tiết lộ: "Đây là những mâm cơm mình nấu cho 2-3 người với kinh phí đi chợ khoảng 200.000 đồng.
Mọi người xem và cho đánh giá chi phí đồ ăn ở Việt Nam và châu Âu có chênh lệch nhiều không nhé".
Dưới bài viết, nhiều người đã khen ngợi bà mẹ Việt với khả năng cân đối chi phí để nấu được những bữa cơm vừa ngon, vừa rẻ ở châu Âu đắt đỏ.
Một phụ nữ Việt sinh sống ở Anh chia sẻ: "Thực phẩm ở đó quá rẻ. Ở Anh, tôi mua 1 gói rau muống (chỉ được một nhúm) đã khoảng 115.000 đồng".
Một số người Việt sinh sống tại Pháp bình luận: "Mình cũng ở Pháp mà giá thực phẩm mình mua phải gấp đôi, gấp ba của bạn"; "Mình ở Hauts-de-France, rau Việt Nam lâu lâu tới mùa mới có, mà lại đắt. Mâm cơm bạn nấu nhìn ngon quá".
Chị Linh cho biết, chi phí 200.000 đồng cho một bữa ăn gia đình 2-3 người không đại diện cho mức giá chung ở Pháp, vì mỗi vùng có giá cả khác nhau và mỗi người có cách tính toán chi tiêu, thói quen "săn đồ giảm giá" khác nhau.
Hàng tuần, chị Linh sẽ nấu xen kẽ món Âu và món Á cho gia đình. Cuối tuần, chị thường "trổ tài" làm những mâm cơm Việt thường mời bố mẹ chồng, bạn bè, người thân quen thưởng thức.
Theo chị Linh, khó khăn nhất khi nấu bữa cơm Việt giữa nước Pháp xa xôi là tìm kiếm nguyên liệu. Xung quanh nơi chị sống, chủ yếu là các siêu thị bán thực phẩm châu Âu. Nếu muốn mua nguyên liệu châu Á, chị sẽ phải lái xe đến chợ, siêu thị cách nhà 20 - 30km.
"Có khi mình thèm bát canh chua cá. Có cá, cà chua, dứa nhưng lại không thể kiếm được chút rau ngổ. Canh cá nếu thiếu loại rau này thì chẳng thể tròn vị, nên đành 'nhịn thèm'", chị Linh kể.
Sang Pháp một thời gian, chị Linh sắm một tủ đông và dành một khu vực trong bếp chuyên dự trữ đồ khô Việt Nam. Những nguyên liệu dân dã tại Việt Nam nhưng "quý hiếm" tại Pháp như sấu, lá mắc mật, hạt mắc khén... chị Linh phải nhờ người thân gửi sang rồi đóng lọ bảo quản kĩ càng.
Trong vườn nhà, chị trồng thêm các loại rau thơm, rau răm. Hàng tuần, chị dành thời gian đi khu "chợ trời" do người châu Á mở. "Ở đó có nhiều rau củ Việt Nam do họ tự trồng và giá cũng rất rẻ", chị Linh nói.
Chị Linh có thói quen theo dõi trang thông tin, tờ quảng cáo của các siêu thị lớn. Các siêu thị này thường xuyên có chương trình khuyến mại đủ các mặt hàng, trong đó có thực phẩm thiết yếu như thịt, cá. Đây đều là đồ tươi, không phải đồ sắp hết hạn nên chị an tâm mua về sơ chế, chia nhỏ rồi dùng dần.
Người mẹ Việt lấy ví dụ, thịt ba chỉ thông thường được bán với giá khoảng 6 Euro (khoảng 165.000 đồng)/kg nhưng sau giảm giá chỉ còn khoảng 3-4 Euro (100.000 đồng)/kg. "Cách làm này giúp mình tiết kiệm được kha khá chi phí mỗi tháng".
Mâm cơm gia đình chị thường không thể thiếu hoa quả. Để tiết kiệm, người mẹ Việt mua trái cây theo mùa. "Lâu lâu mình thèm hoa quả Việt Nam thì giá sẽ đắt hơn nhiều", chị Linh nói.
Một điều may mắn là cộng đồng người Việt tại thành phố nơi chị Linh sống khá đông nên có nhiều người trồng rau, làm đậu phụ rồi bán cho nhau với mức giá rẻ hơn siêu thị.
"Với mình, mỗi mâm cơm Việt có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Tuy đôi khi, để làm món Việt sẽ kỳ công, vất vả nhưng chỉ cần thấy gia đình hay bạn bè tấm tắc khen món Việt ngon, mình như xóa tan mọi mệt mỏi", chị Linh tâm sự.
Ảnh: NVCC