Margaret Mitchell không phải là Scarlett O'Hara. Người chồng đầu tiên của bà - Red Upshaw không phải là Rhett Butler. Nhưng Mitchell, giống như nhân vật Scarlett trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, cũng xinh đẹp, tài năng, nổi loạn và có một cuộc sống bất ổn.
Nổi loạn và bi kịch
Mitchell sinh năm 1900 trong một gia đình giàu sang và có uy tín chính trị ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Cha của bà là luật sư còn người mẹ hăng hái đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ. Tuy nhiên, Mitchell không phải là người con chỉn chu, nghiêm túc. Ngày còn trẻ, bà hút thuốc, uống rượu hay chửi thề. Tại buổi dạ hội từ thiện, cô gái xinh đẹp gây sốc cho giới thượng lưu Atlanta còn nhiều bảo thủ khi hôn bạn nhảy nam lúc khiêu vũ.
Chuyện tình ái của Mitchell thậm chí còn xuất hiện trên báo lá cải thời bấy giờ: “Có lẽ trong cuộc đời của mình, cô ấy đã có nhiều người theo đuổi, yêu chết đi sống lại hơn bất cứ thiếu nữ nào ở Atlanta”. Mitchell cũng thừa nhận mình là một “kẻ tán tỉnh vô đạo đức” nhưng khẳng định không nói dối bất kỳ ai. Bà từng đính hôn với 5 người đàn ông.
Cuộc hôn nhân đầu tiên vào năm 1922 là chuỗi ngày bất hạnh với Mitchell khi đó mới 22 tuổi. Gã chồng Red Upshaw không có việc làm ổn định, kiếm sống bằng cách buôn rượu lậu. Người vợ trẻ phải chịu đựng ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần, hậu quả từ chứng nghiện rượu và tính khí hung bạo của Upshaw. Hai năm sau, họ ly hôn.
Năm 1925, Mitchell tái hôn với John Marsh - bạn của chồng cũ. Với sự hỗ trợ của Marsh, Mitchell trở thành phóng viên cho tạp chí Atlanta Journal. Mùa xuân năm 1926, một chấn thương nghiêm trọng ở mắt cá chân khiến bà phải nghỉ việc.
Cái giá của sự nổi tiếng
Từ bỏ nghiệp báo chí, Mitchell dành thời gian viết tiểu thuyết về nội chiến và tái thiết ở Mỹ, bối cảnh câu chuyện ở quê hương Georgia. Nhân vật chính là Scarlett O'Hara, một cô gái xinh đẹp với đôi mắt xanh hút hồn, ý chí mạnh mẽ, trưởng thành đúng lúc đồn điền bông của gia đình bị chiến tranh tàn phá. Trong suốt 9 năm, Mitchell sáng tác các phần rời rạc, không theo trình tự, có nhiều phiên bản khác nhau.
Bản thảo được nhà xuất bản Macmillan chú ý qua lời giới thiệu của biên tập viên Lois Dwight Cole - bạn thân của Mitchell. Cole chưa đọc cuốn tiểu thuyết còn dang dở nhưng tin tưởng vào khả năng kể chuyện của nữ nhà văn.
Suốt 7 tháng tiếp theo, Mitchell cố gắng sắp xếp các phần, kiểm tra lại những chi tiết lịch sử. Nhà xuất bản thích tựa đề Tomorrow Is Another Day, trong khi Mitchell thích cái tên Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió), dựa trên một câu trong bài thơ Cynara của Ernest Dowson.
Cuối cùng, cuốn sách Cuốn theo chiều gió xuất bản ngày 30/6/1936. Câu chuyện của Scarlett sống và yêu giữa sự tàn khốc của chiến tranh gây tiếng vang trên toàn thế giới. Trong 1 ngày, 50.000 bản bán hết sạch; trong vòng 6 tháng, 1 triệu bản được in tiếp. Đến đầu thế kỷ 21, sách bán được 30 triệu bản trên toàn cầu với hơn 40 ngôn ngữ.
Một tháng sau khi tiểu thuyết được phát hành, Mitchell đã bán bản quyền phim cho nhà sản xuất David O. Selznick với giá 50.000 USD, số tiền kỷ lục cho tiểu thuyết gia mới vào thời điểm đó. Bộ phim công chiếu năm 1939, ngay lập tức đạt thành công vang dội với 8 giải Oscar và lọt top phim có doanh thu cao mọi thời đại.
Nhưng danh tiếng đã hủy hoại cuộc sống riêng tư của Mitchell khi người hâm mộ bám trụ tại nhà bà. Một nhóm người tò mò thậm chí đột nhập vào phòng thử đồ của cửa hàng để tìm Mitchell, lúc đó đang run rẩy trong chiếc váy lót.
Suốt cả cuộc đời, Mitchell không viết thêm cuốn sách nào. Bà dành trọn tâm huyết cho việc chia sẻ tâm tình với những người đang đau ốm. Trong 13 năm, bà viết hơn 10.000 lá thư hồi đáp cho họ. Trong khi Mitchell động viên người khác, sức khỏe của chính bà lại giảm sút.
Ngày 11/8/1949, Mitchell qua đời do tai nạn giao thông ở tuổi 49. Bà đang băng qua đường để tới rạp chiếu phim bị chiếc xe chạy quá tốc độ đâm phải. Sự ra đi của bà khiến những người yêu mến thương tiếc khôn nguôi. Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ca ngợi Mitchell là “1 nghệ sĩ đã mang đến cho thế giới 1 cuốn sách bất hủ”.