Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), báo VietNamNet trân trọng gửi tới quý độc giả những bài viết, câu chuyện, ký ức, kỷ niệm… khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Quân đội anh hùng.
Khi nhìn vào hình ảnh Tem bưu chính kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều người ngạc nhiên nhận ra trên tem có hình ảnh của Bác Hồ khi tới thăm Trung đoàn Không quân 921 và hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" đứng gác bên sân bay Gia Lâm trong những ngày tiếp quản.
Đó là câu chuyện về “cặp song sinh kháng chiến” tuyệt mật trong thời đại Hồ Chí Minh…
Từ lời thề ở sân bay Gia Lâm
Tờ mờ sáng ngày 31/5/1946, hàng vạn đồng bào Thủ đô cùng đi sang sân bay Gia Lâm mang theo cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ. Cờ đỏ sao vàng bay rợp cầu Long Biên. Người dân Hà Nội tới tiễn Bác đi tham dự Hội nghị Fontainebleau tại Paris (Pháp) để cố gắng giữ lại hòa bình và độc lập cho Việt Nam mặc dù thực dân Pháp ngoan cố muốn cướp nước ta một lần nữa.
Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng và nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.
Bỗng Bác gọi các đại biểu trong phái đoàn lại. Mọi người tới đứng vây quanh Người. Một phút im lặng trang nghiêm, Bác nói: “Anh em chúng ta mang trọng trách ra đi, đứng trước mặt quốc dân đồng bào đây, chúng ta phải hứa dù gặp gian nan thế nào, chúng ta cũng phải nhất trí đoàn kết để làm trọn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”. Bác và toàn thể mọi người cùng hô to: “Xin thề”.
Cả biển người trào dâng niềm xúc động lớn lao. Sân bay Gia Lâm chứng kiến lời thề lịch sử của Bác cùng Chính phủ trước toàn thể quốc dân đồng bào. Và sân bay Gia Lâm, sau này trở thành nơi khai sinh của “cặp song sinh kháng chiến”, “hai anh em” luôn xứng đáng với lời thề của Bác…
Tới chỉ đạo tuyệt mật và sự ra đời của “cặp song sinh kháng chiến”
Hiệp định Geneve chia cắt đất nước ta thành hai miền Nam, Bắc. Ngày 1/1/1955, ngay sau khi Giải phóng Thủ đô, từ sân bay Gia Lâm đã phát đi mệnh lệnh chủ quyền của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ với thế giới. Cột mốc lịch sử ấy đều được ghi lại trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam và Hàng không dân dụng Việt Nam ngày nay.
Tuy nhiên Hiệp định Geneve không cho phép hai miền Nam và Bắc Việt Nam được xây dựng các lực lượng Không quân quân sự. Ngay sau đó, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương đã có những chỉ đạo tuyệt mật…
Ngày 3/3/1955, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Ban nghiên cứu Sân bay trực thuộc Tổng Tham mưu trưởng. Ngày này sau này được lấy làm ngày thành lập Không quân Nhân dân Việt Nam. Ngày 15/1/1956, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 666/TTg thành lập Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.
Ngày này sau này được lấy làm ngày thành lập Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Ông Đặng Tính, Trưởng ban nghiên cứu sân bay được bổ nhiệm và trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Sau này có một số ý kiến thắc mắc là vì sao lại có hai chữ “dân dụng” (trong Quyết định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “dân dùng”) trong tên gọi của Cục Hàng không khi thành lập và tại sao lại lấy tên là Ban Nghiên cứu sân bay chứ không phải Ban Nghiên cứu không quân.
Lý do bây giờ ai cũng hiểu, để tuyệt đối bí mật, cần phải sử dụng những từ như “dân dụng” và “nghiên cứu” để đánh lạc hướng và che mắt kẻ thù khi xây dựng các lực lượng chiến lược này. Đặc biệt phải xây dựng được những lực lượng không quân tiêm kích để bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Trước tình hình lực lượng tay sai ở miền Nam Việt Nam được đế quốc Mỹ ủng hộ quyết tâm phá hoại hiệp định Geneve, ngày 24/1/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu trên cơ sở hợp nhất các tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu sân bay và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để bước vào những cuộc chiến đấu mới. Đại tá Đặng Tính, Trưởng ban Nghiên cứu sân bay, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tiếp tục được bổ nhiệm làm Cục trưởng.
“Cặp song sinh kháng chiến” Không quân - dân dụng đã ra đời từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ như thế đấy.
Những người “công nhân” được cử đi học máy bay
Ngày ấy tất cả các lực lượng của Không quân – dân dụng hoàn toàn giữ bí mật thân phận; gia đình, vợ con hỏi tới nghề nghiệp, công tác đều phải nói đã chuyển ngành ra ngoài quân đội. Hàng ngày đi làm đều mặc bộ đồ ka ki xanh, nhiều gia đình cứ ngỡ người thân mình đi làm công nhân.
Đã có những thắc mắc, tâm tư và chúng ta đã làm rất tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ giữ bí mật, hiểu được trọng trách và vinh dự lớn lao khi được công tác, chuẩn bị cho việc ra đời của một lực lượng chiến đấu chiến lược của Đảng và Quân đội.
Ngày 24/2/1956, ông Đặng Tính, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam trực tiếp giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ trước khi sang Trung Quốc học tập. Anh em đều chưa biết được mình sẽ đi đâu và học gì.
Ông Đặng Tính khi đó đã dùng từ “tầm sư học đạo”. Ông căn dặn anh em học tốt, nhanh chóng nắm vững kỹ thuật máy bay để phục vụ cách mạng, xây dựng Không quân, Quân đội. Đến lúc này, nhiều anh em mới bàng hoàng và phấn khởi vì biết mình sắp được học về máy bay.
Nhiều chiến sĩ chỉ mới biết tới máy bay qua ảnh những máy bay ném bom của Pháp tàn phá xóm làng, quê hương…
Ngày 25/2/1956, một đoàn “học sinh” 44 người, cùng 4 phiên dịch, mặc quần áo xanh công nhân, đi xe lửa sang Trung Quốc học tập. Chỉ có hai chữ “tuyệt mật và tuyệt mật”. Khi đó vẫn có đoàn của Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đóng ở cửa khẩu Lạng Sơn…
Ngày 1/5/1959, Trung đoàn không quân vận tải đầu tiên, Trung đoàn 919, được thành lập và là tiền thân của Đoàn bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines ngày nay.
Ngày 30/5/1963, Trung đoàn Không quân mang phiên hiệu 921, mật danh là Đoàn Không quân Sao Đỏ được thành lập.
Ngày 3/2/1964 - đúng ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, tại Sân bay Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc, lễ ra mắt công khai Trung đoàn được tiến hành. Đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên, chủ lực đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ leo thang bắt đầu chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc. Trung đoàn 921 ngay lập tức được điều động về để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngày 9/11/1964, Bác Hồ, các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh thay mặt Trung ương tới thăm và động viên tập thể cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn.
Bác căn dặn: “Các chú phải học tập quân giải phóng miền Nam, phát huy lối đánh gần, bám thắt lưng địch mà đánh. Các chú phải làm thế nào chứ không anh em trong kia đánh hết máy bay địch thì không còn máy bay nữa mà đánh”.
Bộ đội cười rộ lên rồi vỗ tay rào rào. Lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho tư tưởng tác chiến của Không quân Việt Nam. Bức ảnh Bác Hồ thăm Trung đoàn ngày nay được treo ở vị trí trang trọng nhất trong bảo tàng Phòng không, không quân.
Ghi nhớ lời Bác căn dặn, Đoàn Sao đỏ đã xuất kích trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay các loại. Với những chiến công xuất sắc đó, Trung đoàn và 3 tập thể cùng 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tiêu biểu như các anh hùng: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Tuân…
Năm 2016, lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/1/1956 – 15/1/2016) là dịp hội ngộ giữa các anh hùng không quân, hàng không dân dụng, các chiến sĩ “công nhân” năm xưa cùng các thế hệ phi công trẻ của Trung đoàn 921 và hàng không dân dụng của Hàng không Việt Nam. Họ bùi ngùi xúc động với hình ảnh Bác Hồ thăm Trung đoàn Sao đỏ và anh Bộ đội Cụ Hồ đứng gác ở sân bay Gia Lâm trên Tem bưu chính.
Ở đó có sự kết nối và kế thừa giữa lịch sử truyền thống, hiện tại và tương lai. “Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Thế hệ con cháu của “Cặp song sinh kháng chiến” ngày hôm nay vẫn đang cùng nhau góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Vì đó là con cháu của “Cặp song sinh kháng chiến”
Về sau này lại có một ý kiến thắc mắc khác trên mạng xã hội, đó là vì sao Đoàn bay 919 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) lại không chuyển lại phiên hiệu 919 về cho lực lượng Không quân quân sự và lấy một phiên hiệu dân sự khác.
Câu trả lời được người dân tâm đắc là giữ lại phiên hiệu Đoàn bay 919 để các thế hệ phi công sau này của Việt Nam, không chỉ riêng Vietnam Airlines mà của tất cả các hãng hàng không Việt Nam đều ghi nhớ về cội nguồn của mình. Đó là cuộc kháng chiến vĩ đại và gian khổ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh chứ không phải từ những lò đào tạo hiện đại của Âu-Mỹ.
Vì đó đều là các thế hệ con cháu của “cặp song sinh kháng chiến” năm xưa.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Lịch sử 60 năm Hàng không dân dụng Việt Nam, Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam và một số tư liệu sưu tầm khác.
Đại đoàn Quân tiên phong và hai lần 'lỡ hẹn' lịch sử
Khi Bác Hồ ‘nghiên cứu’ máy bay không người lái và dự báo cuộc đối đầu với B-52
Lời khuyên tăng gia, tiết kiệm ngày Tết của Bác Hồ với bộ đội
Gần 20 lần trực tiếp đến thăm, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ, dù có lúc chỉ 15 phút, nhưng Bác đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị những bài học sâu sắc và những kỷ niệm không bao giờ quên.