Trong buổi giới thiệu chiếc Surface Book 2 với giới báo chí trên toàn thế giới hồi giữa tháng 10 tại thành phố New York, Panos Panay dành rất nhiều thời gian để giới thiệu về sự cao cấp của chiếc màn hình 2-trong-1 của chiếc Surface.
Và sự thật là công sức và tâm huyết được Microsoft dồn vào chiếc Surface Book 2 đã biến đây trở thành một sản phẩm rất tuyệt vời, với màn hình được thiết kế gần như "chuẩn đến từng Pixel".
"Khi thiết kế chiếc màn hình này, chúng tôi đã nói rõ những yêu cầu của mình, như cần một tấm màn LCD âm bản, với số lượng pixel cố định." - Nhà thiết kế phần cứng Steve Bathiche tại Microsoft chia sẻ. "Trước đây chưa từng có ai làm màn hình kiểu này, với những yêu cầu cụ thể như thế này cả. Với lại, khi nhìn vào những con số của màn hình, chúng tôi cố gắng để thông số trở nên đẹp nhất có thể, và như các bạn có thể thấy, đây là một chiếc màn hình 15 inch, với tỉ lệ 3:2. Điều này cũng đồng nghĩa bề rộng của màn hình bằng đúng 12,5 inch, và số đẹp như vậy kể cũng khá thú vị."
"Tất cả những chiếc màn hình đều được tùy biến theo cấu hình của thiết bị. Microsoft đã đổ rất nhiều công sức vào quá trình thiết kế, đặc biệt là vào chiếc màn hình, từ những tích hợp về mặt cơ học cho đến thiết kế màn hình, từ bố cục pixel cho đến loại tinh thể lỏng được sử dụng. Thậm chí, chúng tôi còn can thiệp cả vào cấu trúc của transistor nếu như cần thiết." - Steve Bathiche nói tiếp.
Vậy thì vai trò của các đối tác sản xuất là gì, nếu như Microsoft đã tự mình làm hầu như tất cả mọi thứ như thế?
"Đương nhiên đối tác của chúng tôi cũng là các chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng khi sản xuất một chiếc màn hình, có rất rất nhiều biến số cần phải lưu tâm đến, và bạn sẽ phải cân nhắc đánh đổi giữa hiệu năng và mức độ tiêu thụ điện, giữa chi phí và lợi nhuận, và những điều này đối tác sẽ không thể quyết định thay cho bạn được." - Bathiche thừa nhận.
"Vậy nên quyết định của chúng tôi là cử một đội làm việc cùng với các đối tác, theo dõi họ sít sao từng chút một, đến khi sản phẩm được hoàn thiện. Sẽ có lúc bọn họ hỏi rằng: 'Chiếc màn hình này có thể sử dụng cho các sản phẩm khác được không', và sẽ có những lúc chúng tôi buộc phải trả lời là 'Không'. Đó chính là ví dụ cho việc tại sao đây là chiếc màn hình của chúng tôi, bởi các đối tác sản xuất nhiều lúc sẽ không thể áp dụng công nghệ này cho sản phẩm của hãng khác được."
Và chính công sức mà Microsoft dồn vào sản phẩm của mình, cùng với nỗ lực từ các bộ phận pháp lý, đã biến những thiết kế sử dụng trong Surface Book 2 trở thành tài sản trí tuệ của công ty.
CHIP RIÊNG CHO MÀN HÌNH
Bên cạnh đó, đội ngũ tại Redmond, Washington còn bỏ công sức nghiên cứu thiết kế chip riêng cho màn hình của dòng sản phẩm Surface. Loại chip này mang tên TCON, được sử dụng để điều chỉnh thời gian.
Không, Microsoft vẫn chưa có ý định sẽ sớm cạnh tranh với Intel đâu. Đây chỉ là một con chip xử lý có khả năng điều chỉnh chức năng của từng điểm ảnh trong màn hình Surface mà thôi.
"Chính con chip TCON này là thứ điều khiển màn hình. Con chip này là lý do tại sao chúng tôi lại tự sản xuất màn hình của riêng mình, vì không ai khác có thể làm màn hình tương thích với hệ thống này tốt hơn chúng tôi được. Con chip có khả năng đọc một bảng màu 3D để hỗ trợ khả năng hiển thị màu sắc tối đa, cũng như có thể đổi chế độ màu chỉ trong chớp mắt."
Một thứ nữa cũng chỉ có riêng màn hình của Surface mới có, chính là mạch tích hợp ứng dụng cụ thể ASIC (Application-Specific Integrated Circuit), do chính tay Microsoft thiết kế.
"Mạch ASIC được thiết kế để phục vụ các tính năng cảm ứng và hiển thị, được kết nối trực tiếp đến với chip TCON. Mạch ASIC này có 2 đường tín hiệu riêng biệt, một kết nối đến hệ điều hành và một kết nối đến màn hình. Vậy nên khi bút chạm vào màn hình, tín hiệu sẽ được màn hình trực tiếp xử lý và hiển thị mà không cần phải thông qua hệ điều hành. Đây chính là lý do tại sao tính năng của bút có độ trễ chỉ vỏn vẹn 22 miligiây, ngắn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại."
Chính vì lý do này, Microsoft có thể tự tin khẳng định rằng vẽ hay viết trên một sản phẩm Surface bằng bút Surface chẳng khác gì cầm bút vẽ trên giấy cả. Tất cả là nhờ vào hệ thống màn hình được Microsoft đầu tư thiết kế riêng.
Trong quá trình thiết kế và sản xuất dòng sản phẩm Surface từ năm 2012, Microsoft cũng đã đi đến một kết luận giống như Apple từ rất nhiều năm trở về trước: đó là nếu bạn muốn sản phẩm của mình như ý, bạn phải có khả năng tự mình sản xuất mọi thành phần của nó.
"Có một điều hết sức quan trọng như thế này: Màn hình của bạn càng khó sản xuất và yêu cầu càng cao, thì bạn càng phải nhúng tay nhiều hơn vào trong công đoạn sản xuất. Bạn không thể nói với người khác rằng 'Tôi muốn có một cái màn hình có những chức năng như thế này, và bằng một cách kỳ diệu nào đó bạn có được sản phẩm hoàn thiện trên tay. Không, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra đâu." - Bathiche kết luận.
Theo GenK