Mở 'chiến dịch' giải phóng mặt bằng
Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị, với chiều dài 32,53km.
Có 464 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 217 hộ bị ảnh hưởng toàn bộ (nhà ở, đất sản xuất). Kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến 948 tỷ đồng.
Xác định đây là dự án trọng điểm, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động, khẩn trương thực hiện ngay công tác GPMB.
Trao đổi với VietNamNet tại buổi kiểm tra tại huyện Cam Lộ, Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Nam cho biết, đến nay, công tác GPMB trên toàn tuyến đạt khoảng 60%.
“Lãnh đạo địa phương quan tâm chặt chẽ, tập trung cao độ để hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ đề ra là trong tháng 12 này, việc đền bù, GPMB phải đạt ít nhất 70%.
Đặc biệt, chính quyền các cấp có những cách làm riêng, đề xuất nhiều cơ chế linh hoạt, nhận được sự đồng lòng của bà con nhân dân”, ông Nam cho biết.
Ông Hoàng Nam cũng chia sẻ, điều khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Trị suy nghĩ, trăn trở nhiều nhất là thời điểm này, Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề.
“Cận Tết rồi, nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa, trả mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện thi công cao tốc khiến nhiều người rất buồn, người làm lãnh đạo như chúng tôi cũng rất trăn trở.
Tuy nhiên, mong bà con nhân dân vì cái chung để đồng lòng hỗ trợ với chính quyền. Quan điểm của chính quyền là bồi thường thỏa đáng cũng như có chính sách, cơ chế tốt nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi bàn giao mặt bằng”, Phó Chủ tịch tỉnh chia sẻ.
Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cũng cho biết, dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua địa bàn khiến gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, địa phương đã hoàn thành GPMB 4,2km, đạt 65%.
Trong đó, tại vị trí nút giao giữa hai tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Vạn Ninh - Cam Lộ được chọn để tổ chức lễ khởi công dự án có 15 hộ dân thuộc địa bàn xã Cam Hiếu bị ảnh hưởng.
Dự kiến, ngày 1/1/2023 sẽ khởi công dự án. Vì vậy, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh về việc chọn địa điểm khởi công cao tốc, huyện Cam Lộ đã khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhất công tác GPMB.
"Chạy đua với thời gian và mở “chiến dịch 14 ngày”, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận cao từ phía người dân, đến nay, các hộ dân nằm trên nút giao giữa hai tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Vạn Ninh - Cam Lộ đã hoàn tất việc tháo dỡ, di dời tài sản đến nơi ở tạm, bàn giao mặt bằng cho địa phương”, ông Linh nhấn mạnh.
Rốt ráo hoàn thiện tuyến cũ
Là chủ đầu tư 2 dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua tỉnh TT-Huế và Quảng Trị, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho biết, tiến độ thực hiện đang được triển khai theo đúng lộ trình.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn với chiều dài 98,35km, khởi công từ tháng 9/2019, dự kiến hoàn tháng vào tháng 10/2021, với tổng vốn đầu tư 6.675 tỷ đồng.
Theo BQL dự án, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên tiến độ hoàn thành dự án bị chậm so với dự kiến ban đầu. Chính vì vậy, chủ đầu tư đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT cho lùi thời gian hoàn thành đến cuối năm 2022.
Đến tháng 11/2022, Bộ GTVT chấp nhận đề xuất của chủ đầu tư, trong đó cam kết đến 30/11 hoàn thành tuyến chính; 31/12 hoàn thiện nút giao, đường ngang, đường gom và đến 31/3/2023 phải hoàn thành dự án, hoàn trả các đường công vụ mượn của địa phương.
Ông Quý cho biết, đến 30/11 vừa qua, các đơn vị thi công đã hoàn thành việc thảm bê tông nhựa mặt đường toàn tuyến và hiện nay, đang hoàn thiện các hạng mục phụ trợ.
“Chủ đầu tư đang yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực xử lý vệ sinh mặt đường, hoàn thiện các biển báo và các hạng mục phụ trợ. Đến 31/12 này, dự án sẽ hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý theo đúng cam kết tiến độ với Chính phủ”, ông Quý chia sẻ.