Trong những ngày qua xảy ra khá nhiều vụ việc lái xe do sơ suất, thiếu quan sát đã mở cửa ô tô một cách "bất thình lình" khiến các phương tiện khác không kịp trở tay.

Trên thực tế, việc mở cửa xe "kém duyên" dẫn tới tai nạn là không hiếm gặp. Hậu quả của những va chạm này nếu nhẹ nhàng cũng khiến hai xe bị hư hỏng, nặng hơn có thể gây tai nạn cho người điều khiển phương tiện bên cạnh như xe máy, xe đạp.

Tình huống mở cửa ô tô bất ngờ va trúng xe máy đi cùng chiều trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội vừa xảy ra vào ngày 22/4. (Nguồn video: Otofun)

Xét về kỹ năng, việc "quan sát trước khi mở cửa xe" là một nội dung trong chương trình đào tạo lái xe của bất cứ trung tâm nào. Đồng thời, việc mở cửa xe ô tô một cách an toàn đã được "luật hoá", quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ: "Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn".

Còn tại khoản 2, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định, người điều khiển xe mở cửa không đảm bảo an toàn bị phạt tiền 400-600 nghìn đồng. Đồng thời, nếu lái xe thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 2-4 tháng.

Thậm chí, nếu hành vi mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

mo cua o to.jpeg
Luôn phải quan sát trước khi mở cửa xe để đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Trao đổi với VietNamNet, anh Hoàng Văn Tân - Giảng viên đào tạo lái xe tại một trung tâm ở quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, việc mở cửa xe ô tô tưởng chừng đơn giản, thế nhưng trên thực tế hành động này lại ẩn chứa những hiểm nguy khôn lường nếu không được thực hiện đúng cách.

"Nhiều trường hợp người mở cửa xe bất cẩn không phải là tài xế mà là hành khách, hoặc trẻ em ở ghế sau cũng rất nguy hiểm. Nhưng kể cả khi một ai đó ngồi trên ô tô mở cửa không quan sát và gây hậu quả thì chắc chắn lỗi lớn nhất vẫn thuộc về lái xe", anh Tân chia sẻ.

khoa tre em.jpeg
Nên sử dụng chốt "khoá trẻ em" để tránh việc trẻ nhỏ tự ý mở cửa bên lái. (Ảnh: Car and Driver)

Để tránh những rủi ro không đáng có, vị chuyên gia về lái xe an toàn này đưa ra một số kinh nghiệm như sau:

- Luôn khoá cửa lại khi xe đang chạy để đảm bảo rằng các cửa không bị bật ra gây nguy hiểm cho người bên trong xe cũng như tai nạn cho phương tiện xung quanh.

- Nếu trên xe có trẻ nhỏ, nên sử dụng khoá trẻ em để tránh trẻ nhỏ tự ý mở cửa sau phía bên lái, rất nguy hiểm nếu có xe đi từ phía sau lên.

- Không dừng đỗ xe ở nơi có biển cấm, đường giao nhau và các vị trí cấm dừng đỗ xe khác. Trước khi mở cửa, lái xe cho xe đỗ sát mép đường bên phải chiều đi của mình.

- Khi mở cửa, người ngồi trên xe cần quan sát kỹ phía trước và phía sau bằng mắt thường và qua gương chiếu hậu.

- Luôn mở cửa xe chậm rãi, người ra đến đâu cửa mở ra đến đó chứ không mở cửa hết tầm.

- Thao tác mở cửa xe đúng là tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo mở khóa. Thao tác mở cửa bằng tay phải này giúp mặt dễ dàng hướng về phía sau để quan sát, đồng thời cánh cửa không bị mở bung rộng ra ngay.

Nhiều người cho rằng, hành vi mở cửa xe ô tô mà không quan sát nguy hiểm không kém gì việc vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ, nhưng chế tài xử phạt vẫn chưa tương xứng. Do vậy, để hạn chế những rủi ro, cần có chế tài xử phạt nghiêm và nặng sức răn đe hơn.

Bạn có góc nhìn nào về việc mở cửa xe ô tô? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Tin bài cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!