Thôn Đông là thôn đầu tiên trên địa bàn xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh. Bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, góp phần sớm đưa xã Dực Yên trở thành xã NTM kiểu mẫu.
Từ khi triển khai mô hình thôn thông minh với sự tham gia tích cực của tổ công nghệ số cộng đồng, trên 95% các hộ dân trên địa bàn đã lắp đặt và sử dụng internet, nhà văn hóa có kết nối mạng để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin.
Điện thoại của người dân cũng dần chuyển sang dùng điện thoại thông minh tích hợp nhiều ứng dụng của các ngân hàng để chuyển khoản, quét mã QR Code trong giao dịch thanh toán…
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Phạm Như Thống cho biết: “Trước đây khi triển khai các cuộc họp, các hội nghị ở thôn, chúng tôi phải đến trực tiếp các gia đình để triển khai. Nhưng từ khi xây dựng mô hình thôn thông minh, mọi việc trở nên đơn giản, dễ dàng hơn khi chúng tôi thành lập nhóm zalo chung của thôn.
Mọi công việc, thông tin, các khoản thu, chi chúng tôi đều gửi vào nhóm để tất cả mọi người đều nắm rõ. Với việc sử dụng điện thoại thông minh, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được đến với người dân kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, công việc chúng tôi làm cũng từ đó ngày càng tăng lên, ít tốn thời gian hơn”.
Bà Nguyễn Thị Phúc, chủ cửa hàng cung cấp máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp thôn Đông, chia sẻ: “Từ khi gia đình biết đến bán hàng qua mạng internet thì hiệu quả nâng lên rõ rệt.
Tất cả các sản phẩm như: Máy phát điện, máy bơm nước đều được đăng lên trang cá nhân để khách hàng xa gần đều biết, qua đó tăng được doanh số bán hàng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Để triển khai mô hình xã thông minh, xã Việt Dân (TX Đông Triều) cũng đã tích cực triển khai mô hình này. Các cán bộ, công chức đều tham gia lớp tập huấn liên quan đến vận hành, điều hành, nhận, chuyển các văn bản qua mạng để triển khai thực hiện. Các thủ tục của dịch vụ công, xã đang triển khai thực hiện ở mức độ 3.
Bí thư, Chủ tịch UBND xã Việt Dân Đặng Thị Sen cho biết: Chúng tôi triển khai xây dựng mô hình xã thông minh thông qua việc triển khai chính quyền số, kinh tế số, công dân số. Hầu hết các công việc đều được giải quyết qua môi trường mạng, rất thuận lợi cho cán bộ cũng như người dân ở đây.
Chị Sen cũng cho biết, hiện xã đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân cài đặt các ứng dụng của ngân hàng để thanh toán. Những hóa đơn tiền điện, tiền nước đều sẽ thu bằng chuyển khoản và không dùng tiền mặt.
Từ năm 2020 đến 2022, xã đã từng bước áp dụng chuyển qua tài khoản lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, lao động hợp đồng ở cấp xã, công an viên... Năm nay, triển khai tới các thôn, từ bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại biểu HĐND ở thôn, chi trưởng các thôn liên quan tới các đoàn thể như phụ nữ, nông dân...
Trong tháng 4 vừa qua, xã cũng triển khai đồng bộ đến các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp từ ngân sách từ cấp thôn trở đi đến các đại biểu HĐND với phụ cấp cố định hằng tháng.
Cùng với đó, xã chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp cùng với Ngân hàng, Chi cục thuế giám sát các hộ kinh doanh triển khai nộp hoá đơn điện tử, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, yêu cầu các cửa hàng phải có một tài khoản, cấp mã QR Code để thanh toán.
Việc xây dựng thôn, xã thông minh nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy chuyển đổi số trong chính quyền để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng số cho người dân, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng của nơi mình sống trên môi trường số.
Theo Vân Anh (Báo Quảng Ninh)