Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 1.580 nhà chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1994, nằm ở các quận nội thành. Nhà chung cư cũ ở Hà Nội có chung đặc điểm cao từ 2-6 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực.

Sau vài chục năm sử dụng, nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, thậm chí có chung cư được xếp vào loại nguy hiểm. Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC Hà Nội, các chung cư cũ đa số không đảm bảo yêu cầu về PCCC, đặc điểm chung của loại nhà ở này đều đã cũ, không được thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC, không có đủ các trang thiết bị về PCCC.

Vị trí nằm trong những con ngõ nhỏ, kết cấu hạ tầng xuống cấp, đường giao thông không thuận lợi khi có sự cố xảy ra, nhất là nhà tập thể ở phố cổ. Hầu hết các khu chung cư, nhà tập thể này không có ban quản lý nên việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn PCCC không được chú ý coi trọng.

chung cu g6a 1191.jpeg
Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội xuống cấp đến mức nguy hiểm tính mạng của người dân. Ảnh: Quang Phong

Đặc biệt, tại các khu nhà chung cư cũ hiện nay không xây dựng các bể nguồn để phục vụ chữa cháy hoặc có nhưng các bể hỏng không chứa nước. Vì thế, nếu có cũng không đáp ứng cho việc chữa cháy bởi các trụ nước chữa cháy đô thị cách xa hàng trăm mét.

Ngoài ra, đa số những chung cư cũ, nhà tập thể có diện tích nhỏ nhưng đều xảy ra tình trạng người dân cơi nới thêm 'chuồng cọp' để có thêm diện tích sinh hoạt. Khu vực này được nhiều người tận dụng làm ban công, kho chất chứa đồ đạc, nơi phơi quần áo...

Tuy nhiên, điều này khiến lối thoát nạn của nhiều người bị bịt kín gây khó khăn tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn từ bên ngoài. Tại các chân cầu thang người dân tận dụng biến thành bãi giữ xe. Không kể hệ thống đường dây điện, internet tại chung cư cũ được kéo, đấu nối rất lộn xộn tiềm ẩn nguy cơ cháy. 

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu Cảnh sát PCCC thành phố tuyên truyền, tập huấn 100% hộ gia đình về PCCC, vận động hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thông thường; tuyên truyền, vận động đến 100% hộ gia đình chưa có “lối thoát nạn thứ 2” mở “lối thoát nạn thứ 2”.

Vận động các hộ gia đình tháo bỏ, cắt các "chuồng cọp", tạo lối thoát nạn trong trường hợp phát sinh mất an toàn phòng, chống cháy nổ tại mỗi công trình. Rà soát về điều kiện thang thoát hiểm, lối thoát nạn, bổ sung lối thoát nạn đảm bảo các quy định về phòng cháy hiện hành.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành việc kiểm định các khu chung cư cũ, nhà chung cư cũ, đề xuất phương án đảm bảo an toàn đối với nhà chung cư cũ nói chung và các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đã có khuyến cáo di dời người dân không để xảy ra sự cố về công trình gây mất an toàn về người và tài sản.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội còn yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, xây dựng phương án thoát nạn để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố.