Là trục đường huyết mạch nối khu vực Cầu Giấy với Ngã Tư Sở, hầu hết các điểm giao cắt với ngã ba, ngã tư trên đường Láng đều thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào khung giờ cao điểm.
Đường Láng, một trong những tuyến đường rợp bóng cây xanh của Thủ đô. Mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo UBND TP nghiên cứu phương án tiền khả thi dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (đường Láng) nhằm mục đích giải quyết tình trạng ùn tắc tuyến đường Vành đai 2.
Đường Láng dài 3,8km, bắt đầu từ Ngã Tư Sở đến đoạn giao với đường Cầu Giấy và Bưởi. Từ điểm đầu đến điểm cuối đường Láng có hai tuyến đường sắt trên cao là Cát Linh - Hà Đông và metro Nhổn - ga Hà Nội chạy qua.
Hầu hết các điểm giao cắt với ngã ba, ngã tư trên đường Láng đều xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Hình ảnh tại ngã ba Láng - Yên Lãng vào khung giờ tan tầm. Khu vực này như một nút thắt cổ chai. Người tham gia giao thông qua bất cứ nơi nào trên đường Láng đều ái ngại.
Cảnh xe cộ ùn ứ chờ đèn tín hiệu tại nút giao Láng - Láng Hạ. Điểm nối cắt ngang ngã tư này là đường Lê Văn Lương, nơi có tới 40 tòa chung cư trong khoảng chỉ 2km đường.
Lượng phương tiện đông đúc lưu thông qua đoạn ga Láng của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào lúc 16h.
Phần diện tích vỉa hè ít ỏi được các cửa hàng tận dụng để đỗ xe máy. Vào giờ cao điểm, một vài người điều khiển phương tiện phi lên vỉa hè để nhanh chóng vượt qua đoạn đường ùn tắc.
Nằm bên đường Láng là tuyến đường dành cho xe đạp rộng 3m và đường dành cho người đi bộ rộng 1m ở ven sông Tô Lịch. Tại đây có bố trí các điểm xe đạp công cộng để phục vụ di chuyển. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng chưa nhiều.
Tại nút giao Ngã Tư Sở, điểm đầu của đường Láng, khu vực này có cầu vượt, hầm đi bộ, đường trên cao dành cho ô tô nhưng tình trạng ùn tắc vẫn rất nghiêm trọng. Ngành giao thông từng phải thí điểm nhiều phương án phân luồng khu vực này trong năm 2023.
Dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (đường Láng) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giao thông và kinh tế - xã hội của Thủ đô. Do vậy, việc sớm triển khai dự án mở rộng đường Láng để hoàn thiện toàn tuyến Vành đai 2 đoạn qua nội thành được đánh giá là rất quan trọng.
Hà Nội sẽ mở rộng đường Láng từ khoảng 21m cả hai chiều hiện nay lên 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị. Đồng thời xây dựng đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, để giảm thiểu tắc đường tại khu vực này.
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.
Do tổng mức đầu tư lớn nên Sở GTVT đề xuất tách thành hai dự án. Trong đó ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng.
Toàn bộ tuyến Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43km, quy mô mặt cắt 50-72,5m; là tuyến giao thông nội đô chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín.
Hiện nay, tuyến đường Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32km trong đó có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.