Thuở nhỏ, thập niên 70-80, tôi sống ở nông thôn, giấy viết còn thiếu, huống chi sách báo. Thế nên cứ vớ được tờ giấy nào có chữ, là tôi đọc hết từ đầu đến chữ cuối, bất kể đó là truyện hay tài liệu kỹ thuật. Tôi là kẻ nghiện đọc từ tấm bé, có cuốn vật lý vui bố tôi để trên giá sách đóng bằng gỗ tiết kiệm, dỡ từ thùng đựng hàng gỗ thông Liên Xô (cũ), tôi cứ ngày nào cũng lấy xuống đọc, đến mòn cả trang sách. Rồi tôi kỳ cạch làm các thí nghiệm vật lý như trong sách hướng dẫn.

Ngày Tết, được tiền mừng tuổi tôi cất đi để có dịp theo bố ra Hà Nội, đến hiệu sách Quốc văn ở phố Tràng Tiền mua sách. Tôi đã có trọn bộ tủ sách vàng, những cuốn sách be bé bằng bàn tay mà chứa đựng cả ước mơ tuổi thơ, những Bông hồng vàng, Chiếc nhẫn bằng thép (K.Paustovsky)… Sau này, tôi được bố tặng những cuốn sách dày hơn như Đầu giáo sư Đô - oen (Aleksandr Belyaev), 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, Thủy hử (Thi Nại Am)… Đó là những món quà tặng quý giá, tạo nên cả một thế giới tưởng tượng của tôi thời nhỏ.

Sau này, tôi được tặng nhiều quà khác, có món quà vật chất đắt tiền như điện thoại thông minh đời mới, giày Gucci, khăn LV, mỹ phẩm cao cấp, nhẫn vàng gắn đá quý… nhưng chẳng thể có được niềm vui lộng lẫy như khi thơ bé được tặng sách. Những cuốn sách ấy đã hun đúc ước mơ trở thành nhà văn của tôi.

kieu bich hau.jpg
Nhà văn Kiều Bích Hậu.

Một lần, con gái tôi quậy ở lớp, vợ chồng tôi được mời đến họp với thầy giáo chủ nhiệm để bàn bạc cách phối hợp giáo dục con. Chúng tôi thống nhất với nhau cách thức ứng xử với con, nhưng một thời gian sau, con lại gây sự cố. Lần này, thầy chủ nhiệm lại mời vợ chồng tôi đến. Sau buổi họp, thầy tặng tôi cuốn Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương (Sara Imas) - tác giả người Do Thái. Tôi mang về đọc một lèo và cảm động vô cùng. Tác phẩm đó đã khiến tôi thay đổi trong cách khuyến khích con học tập, sát cánh cùng con trong hành trình đến lớp. Tôi biết ơn vô cùng tác giả viết ra cuốn sách ấy, cũng biết ơn thầy giáo chủ nhiệm của con tôi, đã có một hành động đẹp, tặng cho tôi vào đúng thời điểm.

Cá nhân tôi đã xuất bản 22 đầu sách, cũng vừa bán, vừa tặng. Tôi từng gói ghém những cuốn sách thật đẹp để mang tặng sinh nhật bạn hữu, người thân. Tết đến, tôi qua cửa hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng mua sách mang về quê mừng tuổi các cháu nhỏ thay bao lì xì. Mặc cho một số người nói rằng thời nay có mấy ai đọc sách mà tặng, tôi vẫn tin có thể đến một lúc nào đó, cuốn sách tôi tặng sẽ được coi là bạn tri kỷ, là người thầy của người được tặng. 

Tôi cũng nghe sách nói, xuất bản sách điện tử, nhưng tôi nghĩ, tất cả sách mình viết ra, cứ thử nghiệm các loại hình mới, nhưng ít nhất cần vài chục bản in để có thể mang về nhà, đặt lên giá sách ngắm nghía, tận hưởng cảm giác lật từng trang đọc lại và nghe cảm xúc ùa về. Rồi với ai thật sự trân quý sách, mình sẽ tặng người ấy cùng niềm tin rằng cuốn sách sẽ mang lại lợi ích về mặt tinh thần cho họ.

Tôi từng nghe một số nhà văn danh tiếng than phiền rằng sách họ viết ra, trân trọng ký tặng rồi trao cho người bạn mến, nào ngờ thời gian sau thấy sách ấy nằm trong mớ đồng nát, hoặc phơi trên vỉa hè nơi bán sách cũ, sách giảm giá… Cũng có lời trách móc người nhận sách tặng vô tâm… Nhưng riêng tôi nghĩ, chẳng nên trách cứ một ai, mình có tâm tặng sách, hãy tặng và hãy buông đi. Cuốn sách cũng như con người, có thân phận riêng, bảy nổi ba chìm, ta chẳng thể kiểm soát được hết...

z5207577908728 fa4dd0859140c12a9790f6c57d0bad60.jpg
Nhà văn Kiều Bích Hậu tặng sách cho nhà báo Ý - ông Alberto Sebastianelli.

Cũng có người được tôi tặng sách một lần, đọc hết truyện ngắn đầu tiên đã nhắn tin cảm ơn và hỏi cặn kẽ vì sao tôi viết nên được câu chuyện ấy. Rồi bạn ấy đề nghị tôi bán cho những cuốn sách khác đã xuất bản trước đây và thổ lộ rằng lâu nay quá bận công việc nên không có thời gian đi mua sách, cũng chẳng đọc sách nữa. May mà cuốn sách tôi tặng bạn đã khơi dậy một góc tâm hồn bị bỏ hoang. Bạn ấy tự hứa sẽ trở lại đọc sách giấy mỗi ngày thay vì lướt mạng đọc thông tin vụn.

Hóa ra, cuốn sách tôi tặng bạn, đã khơi dậy một sự quan tâm đặc biệt, mở ra một miền cảm xúc, giúp bạn tìm thấy một phần của chính mình bị lãng quên.

Trên thực tế, việc nhận sách tặng có thể thúc đẩy độc giả trở lại với sách giấy, một trải nghiệm tận hưởng và thư giãn mà Internet không thể thay thế. 

Nhà văn Kiều Bích Hậu

Bạn nghĩ sao về phong trào tặng quà bằng sách. Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!