Trường học xây dựng mô hình tạo thói quen đọc sách
Thư viện nhỏ xinh nằm bên góc sân trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là điểm đến được nhiều học sinh yêu thích khi tập hợp nhiều sách hay, mang đến nhiều cảm xúc.
Không chỉ thư viện sân trường, nhà trường còn lập nhóm công khai qua mạng xã hội với tên “Đằng sau thành công của con là bóng dáng của bố mẹ” để khuyến khích các em về nhà tự đọc sách, sau đó quay lại video để phụ huynh hỗ trợ gửi đăng lên nhóm.
Những bài đọc của các em được giáo viên duyệt đăng, kèm lời động viên khuyến khích. Hằng tháng và sau mỗi học kỳ những bạn gửi bài đọc lên nhóm nhiều nhất sẽ được nhà trường tuyên dương, tặng phần quà động viên như sách hay biểu trưng.
Cầm cuốn sách trên tay, em Trương Thiên Mỹ (lớp 2/2) hào hứng cho biết, đã tự về nhà đọc sách và đăng rất nhiều video lên nhóm của trường. Vừa qua, em được nhà trường tuyên dương vì thành tích đứng top đọc sách nhiều nhất. Những video quay lại giúp em có kỹ năng dẫn chuyện, đọc tốt lên và tự tin hơn.
“Ở trường em được đọc sách trong 15 phút đầu giờ, lúc ra chơi, sau giờ ăn bán trú. Đọc sách rất bổ ích, giúp giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi và tiếp thêm cho chúng em nhiều kiến thức”, Thiên Mỹ chia sẻ.
Trong khi đó, em Minh Quân (lớp 5/1) cho hay, đọc sách giúp em tiếp thu nhiều kiến thức, có thêm vốn từ ngữ, những bài học về giá trị sống. Sách cũng giúp Minh Quân rời xa màn hình điện thoại, máy tính.
“Thời gian rảnh em thường mang sách ra đọc, nhờ vậy mà bồi đắp được kiến thức còn thiếu, còn yếu trong học tập. Với em, nội dung trong từng trang sách mang đến rất nhiều điều thú vị mà bản thân chưa biết đến”, Minh Quân nói.
Phát triển kỹ năng của học sinh
Trao đổi với VietNamNet, cô Võ Thị Mỹ Thu – Hiệu trưởng trường tiểu học Lương Thế Vinh cho biết, nhà trường đang thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Trong đó, mô hình đọc sách tại nhà quay video gửi lên trường được triển khai từ đầu tháng 9/2023. Các em sẽ lựa chọn một câu chuyện, một bài thơ, bài văn... phù hợp với lứa tuổi, sau đó tự quay video và đăng lên group.
“Mô hình hiện tại đã thu hút hàng trăm phụ huynh, học sinh cùng tham gia, hình thành thói quen đọc sách hằng ngày, giúp các em đọc yếu, đọc chậm tiến bộ dần. Ban đầu, yêu cầu đặt ra mỗi tuần có 2 em đọc, đến giờ, có rất nhiều em đêm nào cũng đăng bài. Có vài bạn đạt số lượng trên 1.500 bài đăng. Khi đọc, các em đã hình thành được một số kỹ năng như đọc thành thạo, quay được video, tự tin khi thể hiện trước ống kính. Đây chính là cách giáo dục kỹ năng sống hiệu quả”, cô Thu chia sẻ.
Theo cô Thu, để triển khai mô hình này ban quản trị gồm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, cùng 1 giáo viên tin học sẽ luân phiên nhau để duyệt thành viên, duyệt đăng bài vào nhóm. Ngoài ra, nhà trường còn phân thêm nhiều giáo viên vào bình luận, động viên cho các em có tinh thần.
Nhà trường không đặt ra những ích lợi trước cho học sinh khi tham gia đọc sách, việc đọc phải tự giác và thông điệp các thầy cô muốn nhắn nhủ là “chăm chỉ đọc sách sẽ có những điều thú vị đến với ta”. Sơ kết hàng tháng, sau mỗi học kỳ các em có số lượng bài đăng nhiều và thường xuyên sẽ được thưởng sách, truyện, tặng biểu trưng văn hóa đọc. Nhiều phụ huynh rất tự hào và đăng lên mạng xã hội để khoe về thành tích của con mình.
Cô Võ Thị Mỹ Thu nói thêm, văn hóa đọc sách của Việt Nam chưa phát triển bằng nước ngoài. Trẻ em nhiều nước khác khi đi ở các nơi công cộng sẽ cầm cuốn sách, nhưng trẻ em Việt Nam thường xem điện thoại. Nhà trường mong muốn rằng mô hình này sẽ góp phần thay đổi văn hóa đọc cho lớp trẻ. Đồng thời, mong muốn tác động giúp các bậc cha mẹ thấy rằng việc đọc sách rất quan trọng cho con em.