Covid-19 ảnh hưởng đến mỗi cá nhân theo một cách khác nhau. Ngay cả khi có cùng cân nặng, tình trạng sức khỏe, hai người vẫn có thể bộc lộ các triệu chứng khác nhau và đối mặt với những khó khăn đa dạng. Đó là một trong những bí ẩn mà các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra.

Một số nghiên cứu đã thực hiện cho thấy, gen, giới tính, môi trường, chế độ ăn uống và một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ trở nặng và thậm chí dẫn tới hội chứng hậu Covid-19.

Gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ giữa ngón tay và Covid-19.

{keywords}

Ảnh minh họa: Tulsa-health

Theo kết quả được công bố trên tạp chí Scientific Reports vào tháng 3, những người có ngón đeo nhẫn ngắn hơn nhiều so với ngón trỏ có nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19 cao hơn. Họ dễ phải nhập viện do các biến chứng liên quan đến Covid-19.

Ngoài ra, những người có kích thước khác biệt giữa các ngón tay phải và tay trái cũng có khả năng bị các biến chứng nặng do virus truyền nhiễm cao hơn.

Kết luận trên được đưa ra từ nghiên cứu của Đại học Swansea (Anh), Đại học Y Lodz (Ba Lan) và Bệnh viện Đại học Karolinska (Thụy Điển). Họ đã thực hiện phân tích tìm hiểu mức độ hormone của một người, chủ yếu là testosterone (hormone sinh dục nam), có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân Covid-19 như thế nào. Theo đó, lượng testosterone trong cơ thể thấp có thể làm gia tăng mắc bệnh Covid-19 thể nặng ở nam giới.

Các nhà khoa học đã đánh giá những nghiên cứu tính toán mức độ hormone bằng cách kiểm tra chiều dài ngón tay của một người. Theo đó, ngón đeo nhẫn dài hơn là dấu hiệu của mức testosterone cao hơn.

Giới chuyên môn tin rằng có thể có mối liên hệ giữa testosterone và mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Khi hàm lượng testosterone giảm sẽ làm tăng nguy cơ trở nặng. Thực tế cho thấy, nam giới cao tuổi nằm trong nhóm đối tượng có nhiều khả năng phải nhập viện khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

An Yên (Theo Times of India)