Cần tuân thủ đúng quy trình làm thể chế
Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4 của Bộ.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển ngành, đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT&TT. Theo báo cáo của Văn phòng Bộ TT&TT, nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 ở các lĩnh vực của Bộ tập trung vào hoàn thiện thể chế như: xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh quan điểm, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, do đó thể chế phải thay đổi trước để chuyển đổi số có thể phát huy hiệu quả.
Tại hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị các đơn vị rà soát kỹ lưỡng, xem xét tính khả thi trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ sẽ ban hành.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý về quy trình xây dựng thể chế. Theo đó, các nội dung mới phải được Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ cho ý kiến trước về chủ trương, đường hướng, cách tiếp cận. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn sẽ triển khai các bước tiếp theo. Đặc biệt, thể hiện phải bằng ngôn ngữ pháp luật và phải có sự tham gia của những người chuyên về pháp luật.
Đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công cũng là một vấn đề được lưu ý. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đầu tư công là để thúc đẩy phát triển và đây là trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với các đơn vị của Bộ TT&TT, nếu tiến độ triển khai các dự án đầu tư công chậm, người đứng đầu sẽ bị kỷ luật.
Kinh tế số là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế
Từ cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT là cơ quan được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo ước tính của Bộ, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và mục tiêu đến năm 2025 là 20%.
Kết luận tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phát triển kinh tế số. Tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam và một số nước trong khu vực hiện gấp từ hơn 2 đến 3 lần GDP, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải đi đều "3 chân” gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là ICT chiếm 20% và 80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số ngành đó.
Thực tế hiện nay, trong "3 chân” kể trên, quản trị số và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị còn chưa được chú ý. Kinh tế số ngành chưa được phát triển đúng mức, ICT dù là động lực phát triển kinh tế số ngành nhưng cũng chưa có hướng dẫn để thúc đẩy nhằm tạo động lực phát triển.