Sáng 9/1, đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong 22 ngày (từ 15/12/2022 đến 5/1/2023), đã xử lý 4.344 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 23 tỷ đồng, tước 2.352 giấy phép lái xe.
Như vậy, mỗi ngày các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, 15 tổ công tác liên ngành 141 và 29 đơn vị công an quận, huyện, thị xã… xử lý gần 200 trường hợp vi phạm và phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao so với quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Điển hình như trường hợp tài xế V.P.A. (SN 1979, trú tại quận Cầu Giấy), điều khiển xe máy 29X5- 011.XX, bị tổ công tác liên ngành Y9/141 xử lý trên đường Hoàng Quốc Việt vào tối 20/12/2022.
Qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế V.P.A. vi phạm ở mức 1,235 mg/L khí thở. Đây là mức nồng độ cồn cao gấp 3,1 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Hay như trường hợp của tài xế V.T.L. (SN 1981, trú tại Thủ Đức, TP.HCM), bị tổ tác liên ngành Y11/141 phát hiện vi phạm nồng độ cồn tại nút giao Vũ Trọng Khánh – Trần Phú (quận Hà Đông) vào tối 25/12/2022.
Tài xế L. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,798 mg/L khí thở, tức là cao gấp 1,97 lần mức vi phạm cao nhất.
Trong quá trình kiểm tra, tài xế L. còn chống đối lực lượng thi hành công vụ nên bị Công an quận Hà Đông bắt giữ về hành vi "Chống người thi hành công vụ".
Gần đây nhất, vào tối 5/1/2023, tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xử lý vi phạm về nồng độ cồn tại khu vực ngã tư Xuân Thủy – Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy).
Tại đây, tổ công tác đã xử lý tài xế P.V.H. (SN 1989, trú tại quận Thanh Xuân) vì vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,509 mg/L khí thở.
Tổ công tác của Đội CSGT số 6 đã lập biên bản xử phạt tài xế H. với mức tiền 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị… tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu là một “tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. UBND TP nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ. Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm. Đặc biệt, đối với người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định; đồng gửi Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. |