Các bác sĩ Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ngày 16/2 thông tin vừa phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân tiền sản giật nặng, rau bong non biến chứng phong huyết tử cung rau, cứu sống mẹ trong tích tắc, đồng thời bảo tồn tử cung thành công.
Bệnh nhân là người phụ nữ 40 tuổi, ở Hà Nội, mang thai lần 2. Chị vào viện vì bệnh lý tiền sản giật nặng khi thai ở tuần thứ 31, huyết áp cao, protein niệu rất cao. Siêu âm ban đầu phát hiện mất tim thai, chẩn đoán thai lưu, nghi có khối u xơ tử cung to.
Chị được chuyển lên Khoa Sản bệnh (A4), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội theo dõi. Kíp bác sĩ trực tiếp nhận, nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề bất thường hơn chẩn đoán ban đầu, yêu cầu siêu âm lại. Kết quả hội chẩn cho thấy khối u xơ nghi ngờ đó không phải u xơ tử cung mà là khối máu tụ do rau bong non, đường kính tầm 10cm.
Ngay lập tức, thai phụ được đẩy thẳng vào phòng mổ cấp cứu khẩn. Chỉ chậm vài phút, khối máu tụ lan rộng có thể khiến bệnh nhân phải cắt tử cung, mất khả năng làm mẹ, thậm chí nguy hiểm tính mạng vì biến chứng rối loạn đông máu, sốc mất máu.
Quá trình mổ, bác sĩ phát hiện tử cung bệnh nhân tím ngắt, nhanh chóng rạch cơ tử cung lấy thai lưu, dùng các thuốc tăng co và lấy rau, mặt sau bánh rau có khoảng 600g máu cục. Do cấp cứu kịp thời, bệnh nhân may mắn bảo tồn được tử cung. Hiện sức khỏe chị ổn định và theo dõi ở phòng hồi sức của Khoa A4.
Rau bong non là rau bám đúng vị trí nhưng bong một phần hay toàn bộ bánh rau trước khi sổ thai. Đây là một cấp cứu sản khoa, thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ, diễn biến nặng đe dọa tính mạng của thai nhi và sản phụ. Bệnh lý xảy ra đột ngột, có thể tiến triển rất nhanh từ thể nhẹ thành thể nặng.
Huyết áp cao khi mang thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật hay các chấn thương trong thai kỳ… có thể khiến rau bong non.
Ngoài ra, mang thai khi lớn tuổi cũng được xếp vào nhóm yếu tố nguy cơ đe dọa xảy ra tai biến này. Nguy cơ bị bong rau thai sẽ càng cao khi thai phụ mang thai ở độ tuổi từ 35 trở lên. Hầu hết các trường hợp rau bong non là ở thai phụ trên 40 tuổi.
Thầy thuốc khuyến cáo hiện chưa có biện pháp ngăn ngừa rau bong non, chỉ có thể giảm thiểu các yếu tố nguy cơ mắc phải bằng cách: Không hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng cocaine hoặc các chất kích thích trong suốt thai kỳ.
Thai phụ luôn luôn cần thắt dây an toàn khi đi xe, đặc biệt là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu không may gặp chấn thương do tai nạn, té ngã hoặc có vật đập mạnh vào vùng bụng, thai phụ cần đến ngay cơ sở sản khoa gần nhất để kiểm tra.
Những thai phụ có tiền sử tăng huyết áp mạn tính, tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đường thai kỳ cần thông báo với bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn chăm sóc và theo dõi thai kỳ chặt chẽ. Người có tiền sử rau bong non ở những lần mang thai trước và có kế hoạch mang thai tiếp tục, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Báo cáo mới nhất của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) công bố cuối năm 2022 cho biết, số ca tai biến sản khoa hầu như không giảm từ năm 2015 đến nay, cứ 1.000 ca sinh lại có 5-6 ca tai biến. Các tai biến sản khoa thường gặp nhất là băng huyết, tắc mạch ối và sản giật. Phát hiện nguy cơ, xử trí đúng, kịp thời là can thiệp cốt lõi cứu sống bà mẹ trong các cơ sở y tế.
Kết quả từ hệ thống Giám sát tử vong mẹ và đáp ứng cho thấy, trong 9 tháng năm 2022 có 76 trường hợp mẹ tử vong, trong đó, sản giật/tiền sản giật là nguyên nhân thai phụ tử vong phổ biến thứ 2.