Cuốn sách Khát khao cây cỏ thể hiện tầm nhìn bao quát, nêu bật quá trình đồng tiến hóa của con người đã len lỏi vào thiên nhiên. Michael Pollan nhận định cây cối và con người luôn học cách tương hỗ nhau. Mỗi bên thực hiện cho bên còn lại những điều tự thân không thể làm và quá trình thương thảo ấy đã biến đổi cũng như cải thiện số mệnh chung của cả hai.
Mở đầu cuốn sách, Michael Pollan nói về câu chuyện của người nông dân huyền thoại nước Mỹ – John Chapman, nhân vật đã gieo trồng những cây táo - loài thực vật đại diện cho vị ngọt trong quần thể cây cối. John Chapman sống từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, là một nhà cách mạng và đồng thời cũng là một người làm vườn. Từ câu chuyện về nhân vật huyền thoại này, Michael Pollan diễn tả đậm nét những đặc điểm sinh học tiến hóa của cây táo - vị ngọt.
Michael Pollan khẳng định cây cối và con người được đặt trong mối quan hệ phụ thuộc. Trước khi đưa ra kết luận, tác giả chỉ ra rằng, con người thường chia thế giới thành chủ thể và mục tiêu. Trong tự nhiên, loài người thường giữ vai trò chủ thể, ngay cả trong ngôn ngữ dùng để miêu tả mối quan hệ này cũng rất rõ ràng: "Tôi chọn cây, tôi nhổ cỏ, tôi thu hoạch...". Trong khi đó, Michael Pollan cho rằng con người cũng như các loài động vật khác, khi xét trong mối quan hệ đối với cây cối thì đều có tính chất đồng tiến hóa, tương hỗ lẫn nhau.
Tác giả Khao khát cây cỏ cũng so sánh mối quan hệ đồng hưởng lợi giữa con người và các loài thực vật cũng có phần tương tự như mối quan hệ giữa con ong và loài hoa. Ong thu phấn hoa để làm mật, cùng lúc đó gieo rắc phấn đến các nơi khác, giúp cây mẹ duy trì nòi giống. Bắt nguồn từ ý tưởng này, Michael Pollan kết nối các nhu cầu, cũng là ham muốn chính yếu của con người: vị ngọt, cái đẹp, say sưa và kiểm soát - với những loài cây có thể thỏa mãn các nhu cầu ấy: cây táo, hoa tulip, cây cần sa và cây khoai tây.
Bằng cách kể câu chuyện về các loài thực vật, Michael Pollan cho thấy cây cối đã cố gắng tiến hóa để đáp ứng nhu cầu của con người. Về phía con người, nhờ được hưởng lợi từ cây mà càng ra sức nhân giống, giúp cây phát triển thuận lợi. “Tôi nhận ra rằng vấn đề giữa tôi và củ khoai đang trồng cũng chẳng khác là bao nhiêu. Cả hai đều là cộng sự trong mối quan hệ đồng tiến hóa và vẫn luôn như thế kể từ buổi bình minh của nền nông nghiệp từ 10.000 năm về trước”, Michael Pollan chia sẻ.
Xuyên suốt cuốn sách, Michael Pollan gợi ý những phương thức để con người có thể bày tỏ lòng quý trọng với tự nhiên. Sức sống của cây cối, những kết nối tuyệt diệu, giúp con người biết cách sinh tồn trong các mối quan hệ bắt nguồn từ bản chất cốt lõi và vẻ đẹp của cuộc đời.
Phước Sáng