Món ăn gây tranh cãi trong nền ẩm thực Pháp
Ortolan hay còn gọi là chim họa mi có kích thước nhỏ, bằng với ngón tay cái của người lớn, nặng khoảng 30gr. Chúng sinh sống nhiều ở những vùng ấm áp của châu Âu như Italy, miền nam nước Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Chim họa mi thường ăn hạt dẻ, ngũ cốc nên thịt của chúng có hương vị lạ miệng, nhiều thịt, mỡ thơm và xương nhỏ. Do vậy, đây được xem là món ăn đặc biệt chỉ dành cho giới sành ăn.
Được biết, bên cạnh các món ăn như gan ngỗng béo có hương vị hảo hạng, họa mi nướng cũng là một trong những món khoái khẩu từng xuất hiện trên các bữa tiệc của Hoàng đế La Mã.
Các đầu bếp hàng đầu trên thế giới với kinh nghiệm nhiều năm đã chế biến một cách công phu nhằm giữ nguyên độ béo ngậy của món thịt và thể hiện sự đẳng cấp, tinh hoa của nền ẩm thực số một toàn cầu.
Những chú chim khi thưởng thức phải trùm kín khăn
Vậy nhưng khi biết đến quá trình săn bắt và chế biến chúng, nhiều người vẫn không tránh khỏi cảm giác ám ảnh, rùng mình sợ hãi.
Đầu tiên, để bắt chim, trong mùa di cư, thợ săn sẽ đặt những bẫy trên cánh đồng. Sau khi mắc bẫy, những chú chim họa mi này sẽ bị nhốt trong lồng tối từ 12 đến 28 ngày hoặc làm mù mắt để khiến chúng không thể phân biệt ngày đêm.
Nhờ vậy, chúng sẽ ăn nhiều nho, hạt kê hơn và tăng khối lượng gấp đôi trước khi mang đi chế biến.
Trước khi bị mang ra chế biến 2 ngày, những sinh vật này sẽ ngừng được cho ăn. Sau đó, chúng sẽ được ngâm trong các thùng rượu mạnh Armagnac, vừa để chết đuối vừa để ướp hương vị trước khi nướng, bởi nếu bóp chết da thịt và nội tạng có thể bị vỡ nát và bầm tím.
Những chiếc lông của chúng sẽ được nhổ cẩn thận để chất béo nguyên chất không thoát ra ngoài. Cuối cùng tất cả đều được chế biến bằng cách rang khô trong nhiệt độ cao từ 5 đến 7 phút.
Họa mi nướng sẽ mang hương vị hòa quyện của hạt dẻ, dầu ô liu và một loại rượu thượng hạng của Pháp.
Theo truyền thống, để thưởng thức món ăn một cách trọn vẹn, thực khách sẽ che mặt bằng chiếc khăn ăn trước khi ăn thịt chim. Đây là một thói quen nhằm mục đích để giữ lại toàn bộ hương thơm của món ăn, đồng thời ngụy trang cho việc bạn phải bỏ đi một lượng xương lớn.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thực hiện điều này vì muốn "che giấu" sự xấu hổ khi phải đối mặt với đôi mắt xinh đẹp của Thiên Chúa khi họ đang nhai xương một sinh vật sống từng bị bắt và trải qua quá trình chế biến tàn nhẫn.
Cách thưởng thức món ăn này cũng vô cùng khác thường, thực khách phải nhai từ từ và ăn hết chỉ trong một miếng, bao gồm cả xương và nội tạng, chỉ bỏ lại phần mỏ.
Một số thực khách sau khi trải nghiệm món ăn này cho biết, họ cảm nhận được hương vị béo ngậy của thịt, da, gan, phổi và mùi thơm của rượu vang tan trong vòm miệng.
"Món chim họa mi nướng này tôi cảm nhận như được bao bọc bởi chất béo có mùi vị tinh tế như hạt phỉ, tất cả hòa quyện với nhau thành một 'bữa tiệc' thịnh soạn", đầu bếp người Pháp Michel Guérard mô tả.
Tuy nhiên, năm 2001 - 2011, số lượng chim họa mi đã giảm hơn 40%, khoảng 30.000 người tham gia săn bắt chim và tiêu thụ bất hợp pháp ở miền nam nước Pháp mỗi mùa hè đã từng phải nhận mức phạt đắt đỏ.
Chính phủ Pháp đã phải ban hành luật cấm săn bắt, buôn bán cũng như việc giết và chế biến chim họa mi trên khắp châu Âu.
Hiện tại, món ăn này không còn xuất hiện nhiều ở nhiều nhà hàng nhưng vẫn được nấu chín và phục vụ trong các bữa tối riêng tư, bí mật và bất hợp pháp không chỉ ở Pháp mà còn lan rộng ra thành phố New York.
Theo Dân Trí