Yoon Ju, là con trai cả trong gia đình. Anh có những kỷ niệm sống động về không khí bận rộn những ngày Tết. Anh nhớ rõ sự háo hức khi nhận tiền lì xì Tết, được đi chơi, quây quần bên gia đình.
"Sáng ngày đầu năm mới, chúng tôi thay quần áo sạch sẽ, thực hiện các nghi thức tổ tiên. Chúng tôi gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp và thưởng thức đồ ăn ngon. Phong tục tết Nguyên đán của chúng tôi bao gồm cúng tổ tiên, tạ ơn, cầu may", Yoon Ju cho biết.
Tết Seollal của người Hàn
Hàn Quốc cũng đón năm mới theo âm lịch. Lễ mừng năm mới của người Hàn Quốc còn gọi là Seollal, thường kéo dài 3 ngày. Lễ đón Tết bao gồm ngày trước và sau ngày đầu năm mới. Năm nay, Tết sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/2.
Các gia đình Hàn Quốc tổ chức ngày lễ này với truyền thống lâu đời bao gồm nghi lễ cúng tổ tiên, ăn canh bánh gạo và chơi các trò chơi dân gian.
Seollal năm nay là năm con rồng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, trí tuệ, may mắn và thành công. Người Hàn tin rằng năm 2024 là một năm tuyệt vời để bắt đầu những dự án mới, khám phá cơ hội mới, tạo ra giá trị cho bản thân và những người xung quanh.
Với người Hàn Quốc, Seollal không chỉ đơn thuần là ngày đánh dấu cho sự khởi đầu của năm mới, mà còn mang ý nghĩa đặc biệt. Đây là dịp để người Hàn đoàn tụ cùng gia đình, tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.
Cũng vì lý do này mà mâm cúng tổ tiên của người Hàn khá cầu kỳ. Người Hàn tin rằng đồ thờ cúng ngon, trình bày đẹp sẽ làm hài lòng ông bà tổ tiên.
Có khoảng hơn 20 món ăn khác nhau như cơm, canh cá, canh bánh gạo, miến trộn, rau củ chiên, hoa quả, bánh mứt kẹo truyền thống... Tuỳ theo vùng miền mà các món có thể khác nhau nhưng không thể thiếu món canh bánh gạo Tteokguk.
Canh bánh gạo Tteokguk
Ký ức tuổi thơ về ngày Tết của người Hàn gắn liền cùng bữa cơm gia đình quây quần bên chiếc bàn lớn với món canh bánh gạo. Với người Hàn nếu không ăn bát canh bánh gạo ngày Tết giống như việc sẽ có chuyện gì lớn xảy ra trong năm tới.
Trong tiếng Hàn Quốc, "Tteok" là một loại bánh được làm từ bột gạo và được thái mỏng, còn "Guk" là từ dùng để chỉ các món canh.
Canh bánh gạo gồm phần bánh gạo và nước dùng, ngoài ra còn thêm trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, hành, tôm, thịt gà... tuỳ từng vùng miền. Ví dụ như ở Seoul, người dân thường dùng thêm thịt bò trong phần nước dùng. Ở Jeolla, người ta nấu nước dùng bằng cách luộc gà...
Bánh gạo trắng thể hiện sự thanh khiết, tượng trưng cho sự khởi đầu tươi sáng vào ngày đầu tiên của năm mới. Sợi bánh dài thể hiện ước muốn về một cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ.
Phần bánh cắt thành hình tròn, giống đồng tiền xu tượng trưng cho sự giàu có. Đồ trang trí thêm cho bát canh bánh gạo gồm nhiều màu sắc để tạo sự hài hòa giữa âm dương và ngũ hành.
Bằng cách ăn món canh bánh gạo Tteokguk trong mâm cỗ mừng năm mới, người Hàn Quốc đánh dấu thêm một năm tuổi. Những người mới quen chưa biết tuổi nhau có thể dùng câu hỏi "bạn đã ăn bao nhiêu bát canh Tteokguk rồi?".
Thưởng thức món ăn này cùng gia đình vào năm mới mang ý nghĩa hy vọng sự thịnh vượng và may mắn trong năm tới.