Bệnh nhân là ông L.V, 56 tuổi, quê Hải Dương, được đưa vào Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).
Khi đến viện, bệnh nhân khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng… Trước đó, bệnh nhân ăn bánh cuốn sau đó đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, đau quặn bụng từng cơn, liên tục, sốt nhẹ, toàn thân gai rét.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông V. bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hóa), tổn thương thận cấp. Bệnh nhân được hồi sức chống sốc, kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan, dinh dưỡng tích cực, ra viện sau 5 ngày điều trị.
Ngày 8/6, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thế, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn nếu chủ quan có thể biểu hiện rất nặng, thậm chí suy đa tạng, tử vong. Tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ăn uống, khi dùng những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh.
Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường xuất hiện các triệu chứng sau khi ăn khoảng 6-24 giờ, bao gồm:
- Đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón
- Buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc chướng bụng
- Cảm giác muốn ăn nhưng không ngon miệng
- Sốt, mệt mỏi, suy nhược
- Đau đầu, chóng mặt
- Mất nước và điện giải, vã mồ hôi
Khi gặp triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp.