Chuối cau là loại chuối được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Tây như Bến Tre, An Giang, Long An... Trái chuối nhỏ và mập, khi chín vỏ chuối vàng ươm, ruột thơm nhưng hơi nhão.
Mùa chuối chín, giá chuối cau rất rẻ, bà con "bán như cho". Đầu bếp Tăng Cẩm Mai, bếp trưởng một khách sạn cao cấp tại thành phố Châu Đốc (An Giang) thấy tiếc cho nông sản địa phương nên tìm cách sáng tạo ra món ăn mới từ chuối cau. Những trái chuối được kết hợp với nước cam, sô cô la và rượu vodka mạnh để tạo ra một món ăn độc đáo và bắt mắt có tên "chuối đốt".
Món chuối vàng ươm, cháy phừng phừng trong chiếc niêu đất, mùi hương tỏa ra thơm phức được nhiều du khách ưa thích và quay, chụp ảnh, chia sẻ trên mạng xã hội.
Đầu bếp Cẩm Mai cho biết, chị chọn những trái chuối cau không quá chín cũng không quá xanh. Vỏ trái chuối vàng đều, hơi mềm nhẹ. Nếu chuối còn xanh sẽ để lại vị chát nơi cuống họng, khiến món tráng miệng chuối đốt không đạt chất lượng.
Phần nước sốt nấu từ nước cam và chút đường, cho tới khi sền sệt, dậy mùi thơm. Trái chuối cau được bóc vỏ, nhẹ nhàng lăn qua bơ và bột quế cho vàng đều. Sau đó đầu bếp cho chuối vào nước cam sền sệt, nấu chín trong niêu, canh thời gian để chuối mềm, thấm đều nước sốt.
Niêu chuối được bưng ra mời khách khi còn nóng hổi. Lúc này, đầu bếp thực hiện "kĩ xảo". Họ rót lên niêu chuối một lượng rượu vodka nồng độ mạnh rồi đánh lửa. Niêu chuối bắt đầu cháy phập phùng trong khoảng 20 giây, tạo nên hiệu ứng lạ mắt. Cách làm này cũng khiến mùi chuối, nước sốt cam tỏa ra thơm phức, phần vỏ ngoài trái chuối sém lại, càng dậy mùi.
Sự kết hợp giữa vị ngọt của chuối và nước cam, cùng với vị đắng đặc trưng của sô cô la cùng hậu vị của rượu mạnh giúp chuối đốt không bị ngấy, khá bắt miệng. Theo nữ đầu bếp gốc An Giang, món ăn là sự kết hợp giữa ẩm thực bản địa và ẩm thực phương Tây.
Những trái chuối giá siêu rẻ khi được chế biến độc đáo lại nâng giá thành gấp nhiều lần. Mỗi phần chuối đốt này có giá 120.000 đồng.