Theo RT, mới đây nghị sĩ Ukraine Aleksey Goncharenko đăng tải lên Telegram bức ảnh ông chụp cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, kèm chú thích “cùng nhau thảo luận về kế hoạch phá hủy cầu Crưm vào tháng 6”.
Cầu Crưm được khánh thành năm 2018, bốn năm sau khi bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga. Với chiều dài 19km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu. Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam của Ukraine.
Ngày 15/8, TASS dẫn tuyên bố của Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev về kế hoạch nhắm vào cầu Crưm. Ông khẳng định, “Moscow sẽ không để bất cứ thế lực nào phá hủy cầu Crưm trong bất kỳ trường hợp nào”.
Theo ông Konstantin Kosachev, các rủi ro đã được tính kĩ trong quá trình xây dựng cây cầu nên rất khó để tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp. Ngoài ra, Ukraine hiện không có vũ khí riêng để có thể thực hiện hành động như vậy.
"Nếu có, thì bất cứ cuộc tấn công nào (nhắm vào cầu Crưm) đều có sự hỗ trợ vũ khí từ nước khác cung cấp cho Kiev”, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 6 từng cho biết, “Moscow hoàn toàn ý thức được những lời đe dọa này và sẽ xem xét”. Trong khi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng mọi kế hoạch tấn công cây cầu đều sẽ thất bại.
Như Quỳnh