Theo hãng tin Reuters, tháng 6 vừa qua, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte kết thúc nhiệm kỳ 6 năm, Philippines đã hủy bỏ thỏa thuận mua 16 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17 của Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ, có liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Đại sứ Jose Manuel Romualdez nói với các nhà báo tại một diễn đàn trực tuyến như sau: "Việc hủy bỏ hợp đồng chủ yếu là do cuộc giao tranh ở Ukraine. Do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây sẽ được đưa ra, vì thế chúng tôi không muốn tiếp tục và theo đuổi hợp đồng đó". Đại sứ Romualdez nói, trực thăng Chinook sẽ thay thế các khí tài hiện có mà nước này dùng để vận chuyển binh sĩ và chuẩn bị đối phó với thảm họa.
Theo ông Romualdez, Mỹ sẵn sàng ký một thỏa thuận với Philippines, với số tiền tương ứng mà Manila định bỏ ra để mua trực thăng của Nga. Và rằng, thỏa thuận với Mỹ có thể gồm cả bảo trì, sửa chữa và phụ tùng.
Philippines đang thỏa thuận với Nga nhằm lấy lại 38 triệu USD đã trả để mua trực thăng, vốn dự kiến bàn giao vào tháng 11/2023 hoặc 24 tháng sau khi thỏa thuận được ký.
Quốc gia Đông Nam Á này đang trong giai đoạn cuối của quá trình hiện đại hóa kéo dài 5 năm, trị giá 300 tỷ Peso đối với các khí tài quân sự đã lỗi thời, gồm cả tàu chiến từ Thế chiến II và trực thăng mà Mỹ đã sử dụng từ cuộc chiến ở Việt Nam.
Ngoài các thỏa thuận quân sự, Philippines - dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng muốn tăng trao đổi kinh tế với Mỹ, gồm cả lĩnh vực sản xuất, hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng sạch.