Dự kiến ngày 14/10, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả do bị cáo Trịnh Sướng cầm đầu.
Tuy nhiên, trước khi phiên xử diễn ra, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan (52 tuổi, ngụ Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ nộp đơn tường trình và tố cáo gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND Cấp cao tại TP.HCM, về việc mình nhận tội thay.
Bị cáo Quan được xác định là một mắt xích quan trọng trong đường dây xăng giả này. Trước đó tại phiên sơ thẩm, Nguyễn Ngọc Quan bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù, kê biên 1 căn nhà để thi hành án.
Theo đơn tường trình của ông Quan, toàn bộ sự việc như Tòa án cấp sơ thẩm xác định, cáo trạng truy tố, kết luận điều tra điều tra là do ông Quan đứng ra nhận tội thay cho ông L.M.T. (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Cũng trong đơn ông Quan viết, do trước đây làm tài xế nên có quen với ông T. và được ông T. rủ mua dung môi về bán lại để kiếm lời, với thỏa thuận ông Quan tìm mối mua còn ông T. bỏ vốn. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, chi phí liên quan... thì lợi nhuận sẽ chia đôi.
“Khoảng thời gian các năm 2018, 2019, ông T. nhận một số dung môi nhập kho để pha chế xăng và số này tôi không được chia lời, nên không được biết sẽ chuyển đi đâu, không được biết sử dụng làm gì. Sau này khi thành vụ án tôi mới biết dùng để sản xuất xăng giả. Cơ quan công an sau khi điều tra chỉ xác định số dung môi này liên quan đến tội phạm xăng giả. Còn số dung môi tôi và T. mua bán kiếm lời là không liên quan đến tội phạm, cũng như không liên quan gì đến vụ án này”, ông Quan trình bày.
Cũng theo ông Quan, để thuận tiện cho việc làm ăn, ông T. đã bàn với ông Quan thành lập Công ty Tâm Quan. Khi vợ chồng ông Quan thành lập Công ty Thanh Trúc thì ông T. cũng mượn Công ty Thanh Trúc để thực hiện các giao dịch, hoạt động kinh doanh.
Theo ông Quan, mặc dù các giao dịch do vợ chồng ông đứng ra ký hợp đồng nhưng người điều hành các hoạt động là ông T. và cháu ông T. là N.H.P thực hiện thanh toán, nhận các khoản tiền bạc.
Các hoạt động mua bán dung môi của Công ty Thanh Trúc và Tâm Quan được phân chia thành hai loại, một loại mua theo đơn hàng và vận chuyển thẳng tới khách hàng và một loại nhập về kho bãi. Số dung môi nhập về kho bãi, ông Quan cho rằng không được hưởng lợi, không biết gì về số hàng này.
Theo ông Quan, sau khi việc pha trộn xăng giả bị phát giác tại nhà kho ở huyện Bình Chánh, ông T. đã nhờ ông đứng ra nhận tội thay.
"Ông T. bàn bạc và hứa với tôi khi tôi đứng ra nhận kho bãi và toàn bộ hoạt động trong kho bãi là của tôi, do tôi điều hành hoạt động pha chế và kinh doanh xăng giả, thì T. sẽ lo cho tôi mức án khoảng 3 năm tù treo, lo cho vợ tôi không bị khởi tố (lúc đó T. nói vợ tôi đứng tên Công ty Thanh Trúc nên sẽ bị khởi tố làm tôi rất hoang mang) và hứa hẹn sẽ giúp đỡ tôi sau khi tôi ra tù, đồng thời T. chịu hết các khoản nếu Nhà nước thu tài sản”, ông Quan trình bày trong đơn.
Tuy nhiên, sau khi ông Quan được tại ngoại thì ông T. có nhờ người mang tới đưa cho 980 triệu đồng và trốn tránh, không thực hiện lời hứa.
Có bỏ lọt tội phạm hay không?
Theo bản án sơ thẩm, ngày 29/5/2019, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với lực lượng cảnh sát của Bộ Công an, bắt tại kho của Nguyễn Ngọc Quan (ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM), một số đối tượng đang pha dung môi Solmix, xăng A95 với hợp chất màu Azo trên xe ô tô, với hơn 6.800 lít xăng.
Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện trong các xe ô tô xung quanh kho có 29 thùng nhựa, 6 bồn kim loại có chứa 78.661 lít chất lỏng, trong đó có hơn 7.300 lít xăng A95 giả.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Nguyễn Ngọc Quan hành nghề lái xe xi-téc từ năm 1999, chuyên vận chuyển xăng dầu, dung môi và hóa chất cho các cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Đầu năm 2017, khi biết thị trường xăng dầu có pha trộn, buôn bán dung môi để pha xăng bán lợi nhuận cao nên đã thuê người thành lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thanh Trúc và để vợ là Trần Thị Nguyệt T. làm giám đốc.
Công ty Thanh Trúc hoạt động mua bán dung môi, hóa chất với Công ty Phạm Sơn (ở Cần Thơ), doanh nghiệp tư nhân Kim Minh (ở Cà Mau).
Tới ngày 9/10/2017, khi Chính phủ ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Công ty Thanh Trúc không đủ điều kiện kinh doanh dung môi, hóa chất. Vì vậy, Quan đã thành lập thêm Công ty TNHH TM hóa chất Tâm Quan.
Tiếp đó, đầu tháng 4/2018, Quan cho lập thêm chi nhánh Công ty Tâm Quan tại Vĩnh Long.
Cả 2 công ty Thanh Trúc và Tâm Quan đều đăng ký bằng số điện thoại của Lưu Phạm Quốc Anh, Quan cũng ủy quyền số tài khoản cho Quốc Anh thực hiện giao dịch. Quốc Anh còn là kế toán cho các công ty của Quan.
Cuối tháng 2/2018, Quan thuê 1000m2 đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM) làm kho.
Sau đó, Quan cho nhân viên mua xăng và dung môi về pha trộn với nhau để tạo thành xăng A95 và E5, RON 92 giả, bán ra thị trường.
Kết quả điều tra xác định, từ 1/6/2018 đến 28/5/2019, Nguyễn Ngọc Quan và các đồng phạm đã sản xuất hơn 11 triệu 790 ngàn lít xăng giả, hưởng lợi hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo luật sư Trần Đình Dũng, trong trường hợp có người tố cáo nhận tội thay cho người khác mà Toà án đã xét xử sơ thẩm, thì Tòa cấp phúc thẩm phải triệu tập những người có liên đến việc “nhận tội thay” tới phiên toà để làm rõ. Khi sự việc có dấu hiệu nhận tội thay thì đó chính là dấu hiệu của bỏ lọt tội phạm. Người thật sự có tội bị bỏ lọt, chưa bị xử lý. Tại Khoản 1, Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 qui định về việc cấp phúc thẩm Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, như sau “Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp: Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm; Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Vì vậy, trong trường hợp có dấu hiệu việc nhận tội thay, cấp phúc thẩm phải tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra làm rõ, khắc phục tình tiết bỏ lọt tội phạm. |