Từ tháng 9 này, tại Tuyên Quang sẽ diễn ra chuỗi các sự kiện liên tục và lớn chưa từng có. Tâm điểm của Lễ hội Thành Tuyên 2022 là đêm Trung thu với lễ hội đèn lồng lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, các sự kiện đặc sắc khác như lễ đón nhận bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, Đêm Hội chợ Thương mại - Du lịch, Cuộc thi “Người đẹp xứ Tuyên”… cũng được tổ chức.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo chiều 5/8. Ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón người dân, du khách đến với chuỗi lễ hội lớn chưa từng có năm 2022.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang – ông Nguyễn Văn Hòa thông tin, trong thời gian tổ chức kéo dài trong 2 tuần, các hoạt động văn hóa–du lịch sẽ được diễn ra ở các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Điểm đặc biệt của lễ hội là các tuyến phố đi bộ treo đèn lồng và hoạt động diễu hành mô hình đèn Trung thu khổng lồ. Tính đến ngày 5/8, đã có 26 mô hình khổng lồ hoàn thành và bắt đầu diễu hành vào các buổi tối tại TP.Tuyên Quang.
Đây là sự kiện 100% vốn xã hội hóa, người dân tự đóng góp, các tổ dân phố tham gia diễu hành đường phố bằng các mô hình tự tạo đặc sắc. Theo thống kế, trung bình hàng năm, lễ hội Thành Tuyên đón khoảng 100.000 khách tới tham dự. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn hiện đã ký cam kết 100% không tăng giá để phục vụ du khách dịp này.
Du lịch phục hồi “nóng”
Nhận định về tình hình du lịch thời gian qua, ông Đỗ Xuân Quang-Phó Tổng giám đốc Vietjet cho hay, tốc độ phục hồi nhanh kéo theo đó là dịch vụ hàng không đi kèm. Đơn vị này đang thực hiện tới 460 chuyến bay/ngày, con số này cao hơn cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát (400 chuyến/ngày). Việc phục hồi “nóng” kéo theo những khó khăn nhất định về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng ngành hàng không chưa đáp ứng kịp.
Về phía góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang cho hay, 7 tháng đầu năm 2022, Tuyên Quang đón 1,455 triệu lượt khách, tăng 25% so với năm 2021. Mục tiêu trong năm 2022 là thu hút 2,2 triệu lượt khách du lịch. Dẫu vậy, nửa đầu năm, lượng khách quốc tế mới chỉ đạt hơn 3.500 du khách. Thời gian tới, tỉnh sẽ mời các công ty du lịch tổ chức tour nước ngoài đến khảo sát thị trường để có tư vấn, định hướng phát triển, đáp ứng các đoàn khách quốc tế đến với Tuyên Quang.
Đối với hạ tầng giao thông kết nối phục vụ du lịch, đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối vào cao tốc Nội Bài–Lào Cai dự kiến sẽ hoàn thành vào năm cuối năm 2023. Sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến TP.Tuyên Quang rút ngắn chỉ còn khoảng 1 tiếng 30 phút. Tuyến đường từ Tuyên Quang đi Hà Giang, đến cửa khẩu đã được chấp thuận chủ trường, đang triển khai hồ sơ để đưa vào thực hiện. Ngoài ra, các tuyến từ TP.Tuyên Quang đến địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản là đường nhựa thông suốt, khá thuận tiện cho việc di chuyển.
Trước đó, tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, Phó Chủ tịch TP.HCM-bà Phan Thị Thắng khẳng định, đến nay, các chỉ tiêu của ngành du lịch TP đều phục hồi khả quan. 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43% so với cùng kỳ. Về khách quốc tế, TP cũng đón được gần 500.000 lượt. Tổng thu du lịch đạt xấp xỉ 50.000 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Bà Thắm tin rằng, liên kết du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ tạo ra sức bật mới cho từng địa phương, thông qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.
Tương tự, một loạt doanh nghiệp du lịch như Saigontourist, Vietravel, Du lịch Bến Thành, TST, Chim Cánh Cụt… cũng vừa đã tiến hành khảo sát sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và TP.Biên Hòa (Đồng Nai) bằng tàu hỏa. Nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên tục diễn ra là một trong các giải pháp chủ lực giúp gia tăng lượng khách, doanh thu và định vị thương hiệu du lịch địa phương trong thời gian tới.