Nông dân thu lãi tiền tỷ

Những ngày này, ở Tây Nam Bộ bước vào mùa thu hoạch sầu riêng nghịch vụ. Sầu được thu mua tại vườn với mức giá 100.000-130.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, sầu Ri6 có giá 95.000-110.000 đồng/kg; sầu Thái giá lên tới 105.000-125.000 đồng/kg tùy loại.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, sắp tới giá sầu riêng có thể tăng cao hơn nữa. Bởi, nguồn cung sầu ở các vùng trồng không còn nhiều. Năm ngoái, từng có thời điểm sầu riêng trái vụ tại vườn giá vọt lên 200.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) - cho biết, giá sầu riêng đang cao chót vót, nhà vườn có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu.

Theo ông Lộc, Tây Nguyên là vựa sầu riêng lớn nhất ở nước ta. Thời điểm này gần như đã hết mùa, chỉ còn Gia Lai cho thu hoạch trái. Ở khu vực Tây Nam Bộ lại bước vào mùa sầu nghịch vụ, song hàng không dồi dào như vụ thuận. Nguồn cung khan hiếm, thị trường Trung Quốc vẫn “ăn mạnh” đã đẩy giá sầu riêng tăng dựng đứng những ngày gần đây.

sau rieng.jpg
Nông dân Tây Nguyên thu hàng chục nghìn tỷ đồng từ trái sầu riêng (Ảnh: Nguyễn Huế).

“Ngoài lượng sầu của HTX, tôi vẫn thu mua sầu tại các nhà vườn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu. Dịp này, lượng sầu gom mua mỗi ngày dao động từ 1-2 container”, ông nói.

Với ông Lộc, đây là một năm hiếm có khi giá sầu vô cùng đắt đỏ, người trồng sầu trúng đậm. Khoảng 1 năm trở lại đây, giá sầu riêng luôn neo cao do xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thuận lợi. Năng suất sầu riêng trung bình đạt 20-25 tấn/ha, thậm chí có nhà vườn đạt 30 tấn/ha. Với giá cao như vậy, trừ chi phí sản xuất từ 200-300 triệu đồng/ha, người trồng sầu riêng thu lãi từ 1-1,5 tỷ đồng tùy năng suất và giá bán.

Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, thông tin, năng suất sầu riêng tại tỉnh này đạt 18-20 tấn/ha. Tổng sản lượng sầu riêng niên vụ 2023 đạt trên 214.000 tấn, vượt xa con số dự báo là 195.000 tấn hồi đầu vụ.

Với giá bán dao động ở mức 55.000-75.000 đồng/kg, doanh thu từ sầu riêng đạt con số cao kỷ lục gần 15.000 tỷ đồng. Trừ chi phí, nông dân trồng sầu riêng lãi từ 0,8-1 tỷ đồng/ha.

Ở xã Hòa Nam (Di Linh, Lâm Đồng), chỉ với 4ha sầu riêng, vụ thu hoạch vừa qua anh Nguyễn Văn Thắng thu về hơn 5 tỷ đồng. Đây là con số cao hiếm có kể từ ngày anh bén duyên với loại trái cây này.

Bà Đoàn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, cho biết, năm nay sản lượng sầu riêng toàn xã đạt khoảng 7.000 tấn, mang lại cho người dân trên 500 tỷ đồng. Bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng có thu nhập từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Trong xã có khoảng chục hộ dân có nguồn thu từ 4-10 tỷ đồng từ sầu riêng. 

Không lo dư cung, chỉ lo chất lượng

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 10 năm nay, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử. Trong đó, khoảng 95% sầu riêng của nước ta được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ về câu chuyện diện tích sầu riêng tăng nóng thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, diện tích sầu tăng mạnh nhưng chỉ 51% số đó cho thu hoạch. 

Ước tính, tổng diện tích sầu riêng của cả nước hiện lên tới 131ha, sản lượng năm nay đạt khoảng 1 triệu tấn.

sau-ri234ng.jpg
Sầu riêng Việt không cần lo đầu ra nếu có chất lượng tốt (Ảnh: Mạnh Khương).

Theo ông Tiến, nhu cầu sầu riêng tại thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỷ dân là rất lớn. Thế nên, diện tích và sản lượng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta cần quan tâm tới chất lượng và thị trường.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương đánh giá thị trường tiến tới ổn định diện tích, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh của sầu riêng, ổn định đầu ra sản phẩm, Thứ trưởng cho hay.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cũng khẳng định, bà con nông dân cần tính tới câu chuyện phát triển bền vững, tăng cường chất lượng sản phẩm và về giống.

Theo các dự báo, đến năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng thế giới giai đoạn 2019-2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. 

Hiện sầu riêng Việt Nam chỉ chiếm 5% trong tổng lượng sầu thị trường Trung Quốc nhập khẩu. Do đó, không cần lo về thị trường đầu ra trong những năm tới nếu sầu riêng của chúng ta đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyên cũng nhận xét, xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn đối thủ Thái Lan nhờ có sầu riêng tươi quanh năm, vận chuyển sang Trung Quốc lại nhanh hơn nên hàng đảm bảo tươi ngon với mức giá rẻ hơn.

“Chúng ta mới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được hơn một năm. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lạ lẫm với thương hiệu sầu Việt. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta năm nay ước đạt 2,2-2,5 tỷ USD”, ông nói.

Năm tới, sản lượng tăng, mã số vùng trồng được cấp nhiều hơn, nếu quảng bá tốt thương hiệu sầu riêng tại thị trường Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu "vua trái cây Việt" có thể đạt hơn 3 tỷ USD, tiến tới bắt kịp Thái Lan.

Mùa bội thu ở 'thủ phủ' sầu riêng Tây NguyênThu hoạch sầu riêng đầu vụ tại Đắk Lắk đang rất năng suất. Giá bán dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg. Có lúc thương lái trả từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm này năm 2022.