Bộ Tài chính được Chính phủ yêu cầu sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, từ đó, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.
Yêu cầu này của Chính phủ để nhằm hai mục tiêu, vừa có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, vừa thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn.
Hiện nay đang xuất hiện một số gợi ý từ các chuyên gia kinh tế như Quỹ bảo lãnh hoặc Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 500.000 tỷ đồng, như Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm.
Lại có ý tưởng cho phép các định chế như DATC, SCIC, VAMC và các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu doanh nghiệp sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.
Đó là những ý tưởng mới mẻ, nhưng vấn đề là nguồn tiền tươi thóc thật lấy ở đâu ra, và ai sẽ là người thực hiện để đảm bảo hiệu quả?
Theo tôi, muốn xử lý vấn đề thì cần nhận diện vấn đề. Trước hết, cần có bản đề án tổng thể, chi tiết về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có dữ liệu đáng tin cậy từ các công ty bất động sản phát hành, các doanh nghiệp phát hành và các công ty chứng khoán, các tổ chức tín dụng đã phát hành.
Bản báo cáo này cần phân loại rõ được số lượng trái phiếu của các công ty bất động sản, cổ phiếu phát hành riêng lẻ, tài sản đảm bảo như thế nào,… Các bộ liên quan như Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường cần tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý.
Bản báo cáo này, như Nghị quyết 143 của Chính phủ đã nêu ở trên, cần có càng sớm càng tốt để chuyển sang bước xử lý. Điều quan trọng là cần có “tiền tươi thóc thật”.
Với những doanh nghiệp nền tảng tốt, có thể xử lý được, thì họ tự chịu trách nhiệm, nhà nước hỗ trợ về thủ tục như đất đai, hành chính.
Với những doanh nghiệp khó khăn, cần hà hơi tiếp sức thì cần hỗ trợ vốn cho họ qua ngân hàng đầu tư phát triển để họ hoàn thiện dự án, bán sản phẩm để trả nợ trái phiếu. Lãi suất áp dụng cho họ mềm môt chút.
Những doanh nghiệp phát hành đang mất thanh khoản nhưng có tài sản đảm bảo, có dự án thì tạo điều kiện cho họ bán dự án cho đối tác, kể cả nước ngoài. Nhà nước giúp họ bằng cách rút ngắn thủ tục cho họ. Số tiền bán được dành trả trái chủ.
Cuối cùng là các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo và không xác định được tiền bán trái phiếu doanh nghiệp đi đâu thì cần cho phá sản, thu hồi tài sản để trả nợ.
Chúng ta đang xây dựng đề án nhà ở xã hội. Tôi tin rằng, chúng ta có phương án xử lý tốt sẽ có nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cơ chế cho vay với người mua nhà ở xã hội cũng cần dài hạn, ít nhất 30 năm.
Cần thành lập một tổ chuyên gia, hay liên bộ để viết đề án này càng sớm càng tốt, như yêu cầu của Nghị quyết 143 đã nêu.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch cần cách ứng xử hiệu quả và tinh thế lúc này.
Tư Giang (ghi)