Tháng 3 này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức thông qua đạo luật cấm hoàn toàn việc sản xuất và phân phối ô tô sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035, chuyển sang sử dụng các loại phương tiện xanh, nhằm bảo vệ môi trường.
Mặc dù đạo luật trên đã nhận được sự tán thành số đông các quốc gia thuộc EU. Tuy nhiên, nó vẫn những sự phản đối gay gắt của một số nước ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp mà đạo luật này gây ra.
Những quốc gia ảnh hưởng trực tiếp
Dù cho châu Âu đang là một thị trường năng động và cực kỳ cởi mở với xe điện, song không phải bất cứ quốc gia thành viên nào cũng hào hứng với loại hình phương tiện mới này.
Mới đây, Italy đã có các động thái bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Đức và Pháp để “tác động” nhằm làm chậm tiến độ ban hành đạo luật cấm xe chạy xăng, dầu của Ủy ban châu Âu, thông tin được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italy – Adolfo Urso cho biết.
Chính phủ Italy trong thời gian qua đã mạnh mẽ phản đối quyết định cấm sản xuất và bán xe động cơ đốt trong của EU, cho rằng đây là một hành động tự sát và không khác gì như một “món quà” quá hời đối với ngành ô tô Trung Quốc.
Bộ trưởng Urso cũng thông báo rằng, ông và Bộ trưởng Kinh tế Đức – Robert Habeck đã gặp và thảo luận về vấn đề này tại Berlin vào ngày 20/2, và một cuộc hội kiến tương tự khác với Bộ trưởng Kinh tế Pháp – Bruno Le Maire sẽ diễn ra vào ngày 3/3 tới đây.
Những cuộc gặp, với mục đích liên kết 3 nền công nghiệp ô tô hàng đầu châu Âu thành lập một liên minh để gây áp lực đối với Ủy ban châu Âu, qua đó giảm chi phí cho ngành xe hơi truyền thống cũng như người tiêu dùng tại thị trường này.
Italy sẽ quyết tâm để trì hoãn EU thông qua các dự luật về các quy tắc phát thải Euro 7 đối với phương tiện như ô tô, xe tải hay xe bus và dự luật về ngừng phân phối xe động cơ đốt trong truyền thống cho tới sau cuộc bầu cử lại Hội đồng Ủy ban châu Âu vào năm 2024, trừ khi các yêu cầu mà Rome đưa ra được đáp ứng.
“Ba nước công nghiệp lớn của châu Âu, có thể gây ảnh hưởng tới các quy định của Ủy ban,” Bộ trưởng Urso nói, hàm ý chỉ ra sự quan trọng của bộ ba Italy, Đức và Pháp.
Nhắc lại về những quan ngại mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Italy – ông Matteo Salvini từng bày tỏ, ông Urso cho biết, EU sẽ gia tăng thêm các phụ thuộc khi chuyển từ “sự phụ thuộc năng lượng” vào Nga để cung cấp năng lượng hóa thạch cho ô truyền thống, trở thành “sự phụ thuộc thậm chí còn nghiêm trọng hơn” vào Trung Quốc về công nghệ ô tô điện và dây chuyền cung ứng.
Quốc gia ảnh hưởng gián tiếp
Việc một thị trường xe hơi động cơ đốt trong màu mỡ như châu Âu sẽ hoàn toàn biến mất trong hơn một thập kỷ sắp tới, sẽ là cơn ác mộng cho các doanh nghiệp ô tô truyền thống không thể chuyển đổi kịp sang sản xuất ô tô điện, hoặc các doanh nghiệp bảo thủ với chính sách không “xe hơi xanh” như Toyota. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của họ chỉ có thể là đẩy mạnh khai thác tối đa các thị trường dễ dãi hơn.
Úc, một quốc gia hiếm hoi thuộc khối các quốc gia phát triển, hiện nay vẫn chưa ban hành các quy định về khí thải phương tiện ô tô, sẽ là một thị trường chắc chắn được các doanh nghiệp ô tô truyền thống nhắm tới, sau sự biến mất của thị trường châu Âu.
Điều này khiến cho cộng đồng yêu môi trường tại quốc gia này đang phản đối và cố gắng tác động tới chính phủ nhằm đưa ra các phương án thắt chặt quản lý khí thải, để không biến Úc trở thành bãi rác công nghệ ô tô cũ.
Cùng với Úc, khi châu Âu vắng bóng xe động cơ đốt trong thì các hãng ô tô sẽ chuyển hướng tới các quốc gia đang phát triển, vốn chưa quá quan tâm tới những vấn đề như môi trường, khí thải, khói bụi từ phương tiện xả ra. Qua đó càng tạo áp lực về hạ tầng và môi trường ở các quốc gia này.
Hơn hết, câu chuyện về châu Âu cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong, sẽ còn là một vấn đề chưa có hồi kết và sẽ chưa được giải quyết một cách đơn giản trong thời gian tới nếu không làm hài hòa được các lợi ích chung và riêng.
Hùng Dũng (theo Autonews)