Các siêu thị hàng công nghệ mở bán trở lại từ ngày mùng 4 Tết, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các ngành hàng phục vụ nhu cầu học tập và làm việc online.

{keywords}
Nhu cầu mua laptop tăng mạnh sau Tết Tân Sửu.

Thế Giới Di Động cho biết, trong 3 ngày mùng 4 đến mùng 6 Tết Tân Sửu, mỗi ngày chuỗi này bán được khoảng 1.300 chiếc laptop, tăng 50% so với ngày thường.

Trong đó, riêng các chuỗi phía Bắc, mức bán laptop tăng 300% so với kỳ vọng của hệ thống này.

Dịch bệnh khiến nhu cầu làm việc từ xa tăng cao, các trường học cho học sinh học trực tuyến tạo động lực tăng trưởng cho ngành hàng máy tính xách tay. Trong đó, một số tỉnh phía Bắc chịu tác động nặng hơn do dịch nên các sản phẩm này càng hút hàng, đại diện Thế Giới Di Động lý giải.

Tại FPT Shop, từ mùng 4 - mùng 6 Tết, doanh số laptop tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020 và tăng gấp 2 lần so với doanh số trung bình 2 tuần trước Tết. 

Nhóm ngành hàng laptop, máy tính bảng và đồng hồ thông minh cũng tăng trưởng 70% so với ngày thường tại chuỗi bán lẻ CellphoneS.

Các thương hiệu được mua nhiều trong giai đoạn này có Asus, HP, Dell, Acer, Lenovo, MSI. Một số sản phẩm cao cấp như Surface Pro 7 của Microsoft và Macbook của Apple cũng tăng trưởng.

Không chỉ laptop, các mặt hàng như máy tính bảng, webcam cũng tăng trưởng những ngày gần đây.

Anh Nhật Huy, chủ hai cửa hàng chuyên bán hàng Apple ở TP.HCM, cho biết cả trước và sau Tết các sản phẩm iPad bán chạy hơn ngày thường. “Học online trên iPad nhanh gọn nên cha mẹ thường hay mua cho mấy đứa nhỏ”, anh Huy nói.

Trên thực tế, nhu cầu các mặt hàng phục vụ học và làm việc online bắt đầu gia tăng mạnh từ khoảng tháng 4 năm ngoái, trong đợt bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc.

Đại diện một nhãn hàng phụ kiện lớn tại Việt Nam cho biết, các mặt hàng bàn phím, chuột, webcam,... bán nhiều kể từ giai đoạn tháng 4. Đặc biệt các sản phẩm webcam tăng trưởng đều đặn cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài nhu cầu gia tăng, các hệ thống đều phải kết hợp với các chương trình khuyến mại kích cầu. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối ngành hàng Viễn thông Di động FPT Shop, cho biết, chuỗi này phải chuẩn bị đầy đủ sản phẩm nhiều thương hiệu khác nhau, nhiều phân khúc giá, và thực hiện nhiều ưu đãi giảm giá, tặng kèm phụ kiện học tập - làm việc nhằm thu hút khách.

Trong giai đoạn dịch bệnh, các chuỗi đều có kịch bản bán hàng phù hợp. Với nhiều khách hàng ngại ra siêu thị để tránh tụ tập đông người, tất cả các chuỗi lớn đều phục vụ bán hàng qua mạng, giao nhanh trong vài giờ.

Thế Giới Di Động đóng cửa khoảng 28 cửa hàng ở các vùng dịch, tuy nhiên chuỗi này cho biết, có phục vụ giao hàng online tận nhà tại tất cả các địa phương bị ảnh hưởng lệnh giãn cách.

Nhu cầu tìm kiếm và mua hàng online tăng cao khiến lượng truy cập website cũng nhiều hơn ngày thường. Phía CellphoneS cho biết, lưu lượng truy cập website bán hàng và các kênh bán hàng online đang tăng so với thời điểm Tết, có nhiều thời điểm lượng truy cập cao hơn cả thời gian trước Tết.

Bên cạnh laptop và máy tính bảng, một số ngành hàng khác cũng tăng theo. Nhóm thiết bị nhà thông minh (Wi-Fi, camera giám sát, máy lọc không khí...) có sự tăng trưởng lên đến 120%, theo CellphoneS.

Thông thường giai đoạn sau Tết là thời điểm ảm đạm nhất của thị trường, do người dân đã dồn tiền mua sắm để chơi Tết. Tuy nhiên, một số chuỗi ghi nhận mức tăng chung khoảng 10% so với giai đoạn trước Tết.

Một chuỗi bán lẻ nhận định đây là mùa bán hàng sau Tết “kỳ lạ nhất” trong nhiều năm qua. Có lẽ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người không về quê, tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong di chuyển, mua sắm vật dụng trong kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh đó việc tạm dừng đến trường, nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tiếp tục làm tăng sức mua các sản phẩm công nghệ.

Hải Đăng

Một số mẫu iPhone tăng giá sau Tết

Một số mẫu iPhone tăng giá sau Tết

iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max tăng giá một số phiên bản, trong khi một số khác giảm giá nhẹ.