Mua 5 tấn chè về ướp hoa sen
Những ngày nắng nóng như đổ lửa đầu tháng 6, dọc bên đường thôn Liễu Trì và Hạ Lôi xã Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội), cả chục nghìn bông sen bắt đầu nở rộ, toả hương thơm ngát. Người nông dân nơi đây lại tất bật một vụ mùa bội thu.
Nổi tiếng sở hữu đầm sen có diện tích lớn nhất vùng, anh Lã Quang Khanh ở xã Đại Thịnh (Mê Linh) cười nói, đầm của gia đình anh rộng 60ha trồng toàn sen. Vào mùa sen bung nở hoa, anh thu hái trên dưới 1 triệu bông.
Tay thoăn thoắt dỡ những bó hoa sen từ trên xe xuống để đưa vào trong nhà chuẩn bị ướp trà, anh Khanh cho hay đã bén duyên với nghề trồng sen 6 năm nay. Khu đầm rộng bạt ngàn này trồng 3 loại sen chính, gồm: Bạch liên, sen hồng Bách diệp (giống sen cổ Hồ Tây) và sen Quan âm có nguồn gốc từ Thái Lan.
“Năm đầu tiên tôi chỉ trồng sen bán bông”, anh nói. Đến năm thứ hai, vô tình được thưởng thức trà sen Tây Hồ khiến anh mê mẩn. Từ đó, ý tưởng muốn tạo ra một loại trà sen mang thương hiệu Mê Linh. Thế rồi, anh bắt đầu tìm hiểu cặn kẽ quy trình làm ra thứ trà ướp hoa sen nổi tiếng Hà thành.
Thời điểm đầu, anh Khanh mày mò tìm kiếm công thức làm trà ướp hoa sen từ khắp nơi, thậm chí còn tìm tới nghệ nhân làm trà sen ở Hồ Tây để học cách làm. Đến nay, anh đã có kinh nghiệm 5 năm làm trà ướp hoa sen.
Cùng một công thức, để có được một bông trà sen thơm ngon, đượm vị mà lại mang một nét riêng của Mê Linh không lẫn với những loại trà sen khác thì ngay từ khâu chọn lựa trà và hoa phải đảm bảo chất lượng tốt nhất, anh chia sẻ.
Mùa hè, từ 3-4h sáng, anh Khanh cùng mọi người chèo thuyền đi tìm hái những bông sen mới nở “miệng sáo”. Bởi, những bông như vậy vẫn giữ được hương của sen. Để không ảnh hưởng đến chất lượng của trà sen, khi hái và vận chuyển phải tránh bị dập nát, nhàu cánh hoa.
Vào vụ sen, trung bình mỗi ngày anh Khanh thu hái hơn 15.000 bông, cao điểm lên đến 20.000 bông. Các thành viên của gia đình không thể làm xuể nên anh phải thuê thêm người, trả công hái 500 đồng/bông. Theo đó, thu nhập của mỗi người hái sen thuê tại đầm lên đến gần 1 triệu đồng/ngày.
Sau khi hái, sen được tập kết lên bờ. Bông sen làm trà phải được tuyển chọn kỹ càng và để nguyên cuống. Chè dùng để ướp sen là loại chè Tân Cương được anh đặt mua trực tiếp từ Thái Nguyên.
Khi ướp sẽ nhẹ nhàng vén các cánh hoa để lộ nhụy rồi cho 1 chén chè vào (khoảng 20 gram mỗi bông). Tiếp đó xếp lại cánh hoa, dùng lá sen gói bông hoa cho kín, nhưng không gói chặt tay quá. Cắm bông trà sen vào nước trong 24h. Khi bông hút đủ nước thì cắt bỏ cành. Bông trà được bọc trong túi nilon hút chân không để cấp đông.
“Công đoạn ủ trà sen được làm hoàn toàn thủ công và phải xong ngay trong buổi sáng để đảm bảo độ tươi của hoa”, bà Chăm (74 tuổi, mẹ của anh Khanh) với kinh nghiệm ướp sen được 5 năm chia sẻ.
Vì lượng hoa sen thu hái rất lớn mỗi ngày nên ở công đoạn ướp trà anh thuê thêm người làm với tiền công 300.000 đồng/người/ngày.
Anh Khanh chia sẻ, ngoài trà sen tươi gia đình anh còn làm cả trà sen khô. Song, quy trình cầu kỳ và cần sự tỉ mỉ hơn. Phải tách gạo trắng trong bông sen ra rồi ủ với trà khô khoảng 2 tháng để trà và sen ngấm vị. Ủ xong, trà được đem đi cấp đông để sử dụng.
Qua mùa hoa nở thu 8 tỷ đồng
Sau 5 năm làm trà ướp hoa sen, anh Khanh đã có thêm nhiều khách hàng quen thuộc, đảm bảo được đầu ra sản phẩm.
Thành phẩm trà được phân phối khắp các tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,… hay vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM và xuất bán sang cả Trung Quốc.
“Vào dịp Tết, khách Trung Quốc mê trà ướp hoa sen thường nhập với số lượng lớn để làm quà biếu”, anh nói.
Những năm trước, gia đình anh Khanh cung cấp ra thị trường khoảng 2,5-3 tấn trà ướp hoa sen. Mỗi 1kg chè Tân Cương sẽ làm được 50 bông trà sen.
Năm nay, số lượng sen trong đầm cho thu nhiều hơn nên dự tính sẽ làm 5 tấn chè, tương đương khoảng 250.000 bông trà sen để bán quanh năm, chị Hải - vợ anh Khanh phấn khởi chia sẻ.
Sở hữu đầm sen rộng 60ha, trong đó có 30ha anh Khanh trồng sen hồng Bách diệp - loại sen chuyên dùng để làm trà sen, còn 30ha là sen Bạch liên và sen Quan âm trồng để bán bông.
Thương lái sẽ đến trực tiếp đầm để lấy hoa sen. Phần lớn mối sỉ là khách quen đặt trước từ khi vụ còn chưa bắt đầu. Giá sen Bách diệp và Bạch liên đầu vụ ở mức 3.000 đồng/bông, giữa vụ giảm xuống còn 2.500 đồng/bông; sen Quan âm có giá đắt hơn, dao động từ 5.000-7.000 đồng/bông.
Trà sen có giá từ 25.000-30.000 đồng/bông. Loại trà này sau khi ướp xong được cấp đông và bán quanh năm.
Qua mỗi vụ đầm sen thu hoạch được khoảng trên 1 triệu bông. Cả làm trà và bán sen doanh thu đạt vài tỷ đồng, anh Khanh tiết lộ. Năm nay, tính cả tiền bán hông và bán trà sen, doanh thu ước đạt 8 tỷ đồng (chưa trừ chi phí).
"Hoa thì chỉ bán mùa hè. Còn với trà sen thì tôi cấp đông bán quanh năm", anh nói.
Những năm gần đây, gia đình anh còn kết hợp thêm mô hình du lịch, chụp ảnh đầm sen với giá vé 30.000 đồng/người. Ngoài việc có thêm thu nhập đây còn là cách để anh Khanh quảng bá thương hiệu trà sen Mê Linh.
Đỗ Trang