1688.com – trang web bán buôn của Alibaba – ghi nhận người dùng tăng trưởng 30% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm 2022 khi ngày càng nhiều người tiêu dùng săn lùng hàng hóa giá rẻ.
Cai, nữ nhân viên văn phòng 33 tuổi tại Giang Tô, một người hâm mộ cuồng nhiệt của 1688.com, cho biết cô mua mọi thứ, từ quần áo đến rèm cửa, móc treo đồ từ trang web này.
Thực tế, mua sắm trực tiếp từ nhà máy lại là dịch vụ lâu đời nhất của Alibaba. 1688 ra mắt dưới một cái tên khác vào năm 1999, năm thành lập công ty. Nó ra đời trước cả Taobao, trang web mua sắm trực tuyến chính của Alibaba xuất hiện năm 2003.
Khi Alibaba niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 2007, mã chứng khoán của nó là 1688. Alibaba đã lấy số này làm tên của chợ bán buôn trực tuyến vào năm 2010.
1688.com hiện buôn bán một loạt các mặt hàng, từ phụ kiện Giáng sinh đến đồ chơi, ống nhựa và vật liệu xây dựng. Khách hàng chủ yếu của 1688.com là các cửa hàng vừa và nhỏ, tìm mua sản phẩm và tìm kiếm các nhà thầu phụ. Nó cũng bao gồm hình ảnh của dây chuyền sản xuất và thiết bị.
Cai chia sẻ lý do khiến cô mua hàng trên website bán buôn, đó là “rẻ”. Ngoài ra, khi đặt hàng trực tiếp từ nhà máy, người mua nhận được câu trả lời chính xác khi thắc mắc về sản phẩm.
Cô kiểm tra các sản phẩm, giá cả trên 1688 rồi so sánh với ứng dụng mua sắm giá rẻ Pinduoduo và Douyin trước khi “xuống tiền”.
Mua sắm trực tiếp từ nhà máy ngày càng phổ biến với khách hàng cá nhân nhờ vào khoản tiết kiệm đến từ việc loại bỏ người trung gian. Chẳng hạn, một con thú nhồi bông 50 cm có giá hơn 10 nhân dân tệ trên các trang web mua sắm tiêu chuẩn, nhưng chỉ có giá 5 nhân dân tệ trên 1688.
Xiaohongshu – đối thủ của Instagram tại Trung Quốc – chứa đầy đánh giá về các nhà máy và sản phẩm trên 1688. Nó thậm chí còn liệt kê các công ty sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, nhấn mạnh sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng với giá thấp.
Trong bối cảnh nhu cầu yếu ở quê nhà, các công ty mua sắm trực tuyến Trung Quốc đang sử dụng các nhà máy vừa và nhỏ để tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Temu, một dịch vụ mua sắm xuyên biên giới ra mắt vào tháng 9/2022 thuộc PDD Holdings, đang tăng cường sự hiện diện ở châu Âu và Mỹ, nơi giá tiêu dùng tăng cao.
Alibaba cũng có kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh xuyên biên giới thông qua 1688. Trang web "sở hữu nền tảng vững chắc và tiềm năng lớn để tự tái tạo trong kỷ nguyên mới này", CEO Alibaba Eddie Wu cho biết vào tháng 11.
(Theo Nikkei)