Tờ Bưu điện New York dẫn lời các quan chức y tế bang Hawaii hôm 15/8 cho biết, tro bụi từ hàng nghìn ngôi nhà bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng trên đảo nghỉ mát Maui hồi tuần trước có thể chứa nhiều chất độc hại đối với cơ thể con người như chì và Amiăng, thậm chí cả thạch tín – một thành phần trong thuốc diệt cỏ - từng được sử dụng tại đây.
Theo chuyên gia về chất độc bang Hawaii Diana Felton, nguy cơ người dân nhiễm độc khi quay trở lại thị trấn Lahaina trên đảo Maui rất cao, bởi nhiều công trình được xây dựng tại đây trước thập niên 1970 đã sử dụng các vật liệu có chứa chất độc hại.
“Những chất độc hại như chì và Amiăng, trước đây thường được dùng làm thành phần cho các loại sơn, hiện ở dưới dạng tro bụi. Thảm họa cháy rừng này cũng có thể làm ‘xáo trộn’ lượng thạch tín còn sót lại trong đất ở đảo Maui, bởi thạch tín là thành phần của loại thuốc diệt cỏ từng được sử dụng tại đây vào đầu thế kỷ 20”, chuyên gia Felton nói.
Theo bà Felton, tro bụi có chứa chì hay Amiăng sẽ tiếp tục gây nhiễm độc cho đảo Maui, khi những cơn mưa khiến tro bụi lan tỏa khắp đảo.
Cơ quan Y tế Hawaii trong một thông cáo đưa ra hôm 15/8 đã gửi lời cảnh báo tới người dân đảo Maui, yêu cầu người dân địa phương nên sử dụng loại khẩu trang y tế N95 với lý do “các loại khẩu trang y tế bình thường chỉ có thể bảo vệ phần nào sức khỏe”.
Theo nhận định từ bác sĩ Rosalind Wright làm việc tại Trường Y khoa Icahn ở thành phố New York, tình trạng nhiễm độc môi trường tại đảo Maui sẽ chỉ có thể kết thúc khi toàn bộ tro bụi và những đống đổ nát ở thị trấn Lahaina được xử lý triệt để.
“Việc dọn sạch môi trường sẽ cần nhiều thời gian. Không chỉ không khí mà tất cả mọi thứ ở đó như đất đai và nguồn nước. Mỗi khi có gió nổi lên, thì tro bụi chứa chất độc lại phát tán”, bác sĩ Wright nói.
Video: Thị trấn Lahaina trên đảo Maui, Mỹ sau khi bị lửa thiêu rụi. Nguồn: Bưu điện New York