Trích dẫn dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, công ty nghiên cứu Statista của Đức cho hay chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chi khoản viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều hơn so với số tiền mà Mỹ chi hàng năm cho cuộc chiến ở Afghanistan.
Theo đó, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đến giữa tháng Một năm nay, tức 11 tháng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, đã là 46,6 tỷ USD tính theo thời giá USD năm 2022. Con số này cao hơn mức chi tiêu quân sự trung bình hàng năm là 43,4 tỷ USD trong 10 năm đầu tiên quân đội Mỹ tham chiến ở Afghanistan.
“Khi tính toán chi phí trung bình hàng năm đối với các cuộc chiến mà Mỹ từng tham gia có thể thấy được mức độ thực sự của khoản viện trợ cho Ukraine”, ông Martin Armstrong tại Statista nói thêm, dữ liệu này còn chưa bao gồm số vũ khí và thiết bị bổ sung trị giá 5 tỷ USD mà Lầu Năm Góc đã gửi tới Kiev.
Ngoài ra, số liệu cũng chưa bao gồm những khoản chi cho mục đích phi quân sự như số tiền 4,5 tỷ USD mà Tổng thống Biden cam kết tài trợ cho lương hưu, lương của chính phủ và các chi tiêu công tại Ukraine. Tính tổng thể, số tiền viện trợ mà Washington chi cho Kiev được cho là 113 tỷ USD, và nhiều quan chức chính phủ Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết”.
Dù không chính thức triển khai binh sĩ nào tới Ukraine, hoặc tuyên bố mình là một bên tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột, nhưng Mỹ lại đang chi viện trợ quân sự cho Kiev nhiều hơn số tiền mà Washington từng tiêu tại Afghanistan, nơi quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến dài nhất trong lịch sử quốc gia.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn hoạt động viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Hồi đầu tháng này, 11 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã đưa ra một dự luật kêu gọi dừng ngay lập tức chương trình viện trợ cho chính quyền Kiev.
Nga nói về đàm phán "bí mật"
Moscow phủ nhận tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis rằng, các cuộc đàm phán không được công khai nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra tại Geneva.
Chia sẻ với Le Temps vào giữa tuần này, ông Cassis cho hay các cuộc đàm phán “bí mật” giữa Nga – Ukraine đang được tiến hành trên lãnh thổ Thụy Sĩ. Nhà ngoại giao mô tả thêm, đây là những cuộc tiếp xúc “không ở mức cấp cao”. Song Thụy Sĩ vẫn sẵn sàng cung cấp địa điểm cho các đàm phán giữa giới chức cấp cao từ Moscow và Kiev.
Hôm 24/2, ông Vladimir Medinsky, trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, “Theo những gì tôi biết, các nhà ngoại giao Nga, đại diện của chính quyền và chính phủ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán cấp cao, hay bất kỳ cấp độ nào khác với bên Ukraine”.
Tới ngày 25/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhấn mạnh, “Thụy Sĩ, quốc gia đã tham gia các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây để chống lại Nga, không còn là một quốc gia trung lập, và không thể đóng vai trò trung gian trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.