Intel được xem là tập đoàn lớn đầu tiên của Mỹ đầu tư vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, khi tháng 1/2006, Intel công bố dự án 300 triệu USD xây dựng cơ sở mới, bao gồm nhà máy kiểm định và lắp ráp chip tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Đến tháng 11/2006, Intel tăng quy mô nhà máy từ 14.000 mét vuông lên 46.000 mét vuông và nâng mức đầu tư lên 1 tỷ USD. Tháng 3/2007, nhà máy được khởi công với khuôn viên gồm một tòa nhà văn phòng, một tòa nhà dành cho các dịch vụ công cộng, một nhà kho chứa nguyên vật liệu thô và các sản phẩm đã hoàn thiện, một trạm phân phối điện, một kho chứa hóa chất, một nhà máy lắp ráp và kiểm định chip. Từ giữa năm 2010, nhà máy bắt đầu sản xuất những chipset di động mới nhất của Intel dùng cho máy tính xách tay, thiết bị di động và có khả năng sẽ sản xuất những bộ vi xử lý trong tương lai.
Đến ngày 29/10/2012, nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới của Intel và cũng là nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên của Việt Nam chính thức được khánh thành. Lắp ráp và kiểm định là khâu cuối đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất khép kín các sản phẩm bán dẫn của Intel. Thời điểm đó, để chuẩn bị cho sự ra mắt của nhà máy, hơn 150 nhân viên của Intel Việt Nam, gồm các kỹ sư và kỹ thuật viên được cử đi tham gia đào tạo ở Malaysia, Trung Quốc và Mỹ trong 2 năm.
Sau 17 năm, số lượng nhân sự tại nhà máy chip của Intel đã lên tới số hơn 4.000. Mới đây, chia sẻ với truyền thông, ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam cho biết, đến năm 2021, Intel đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào nhà máy. Hiện tại, nhà máy Việt Nam đang sản xuất vi xử lý thế hệ 13 Raptor Lake và vi xử lý thế hệ tiếp theo Meteor Lake, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu về lắp ráp, kiểm định. Intel sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam trong thời gian tới và vẫn sẽ tập trung vào mảng lắp ráp và kiểm định chip.
Đến thời điểm hiện tại, Intel là đơn vị duy nhất của Mỹ đầu tư nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Tuy nhiên, về công nghiệp vi mạch bán dẫn, tiếp tục xuất hiện các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Mỹ vào Việt Nam, có thể kế đến là Synopsys, Marvell và Ampere.
Trong đó, Synopsys là đơn vị cung cấp các công cụ bản quyền (IP) về thiết kế và sản xuất chip số 1 thế giới hiện nay. Hiện công ty đang hỗ trợ tích cực cho việc đào tạo nguồn nhân lực thiết kế chip tại Việt Nam, khi ngày 26/8/2022, Synopsys đã cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao ký kết hợp tác thành lập mô hình Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center (SCDC)). Theo đó, Synopsys tài trợ 30 li-xăng phần mềm Synopsys trong 3 năm (trị giá hàng chục triệu USD) để phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch. Tháng 10/2022, SCDC đi vào hoạt động và đã cung cấp các dịch vụ ban đầu như: Cung cấp li-xăng các phần mềm thiết kế của Synopsys qua mạng riêng ảo (VPN) đến các trường trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp cùng Synopsys tổ chức các khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch…
Tập đoàn Marvell Technology vào Việt Nam từ tháng 10/2013. Đây là tập đoàn chuyên về thiết kế chip sau đó thuê các nhà máy sản xuất gia công. Hiện nay, có 2 lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung đầu tư, đó là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI). Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở Etown (quận Tân Bình) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) TP.HCM với 300 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực thiết kế.
Ngày 16/5/2023, Marvell đã thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TP.HCM. Theo TS. Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp Marvell, Trung tâm Thiết kế Vi mạch sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất, đồng thời là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam, cho phép họ trau dồi các kỹ năng chuyên môn và mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Trung tâm Thiết kế Vi mạch, Marvell sẽ chú trọng đầu tư phát triển các kỹ năng công nghệ thiết yếu thông qua chương trình học bổng ưu tú Marvell Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ các sinh viên tài năng chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính tại các trường đại học Việt Nam.
Trong khi đó, Ampere Computing Việt Nam được thành lập từ năm 2008, là công ty hoạt động trong lĩnh vực điện toán biên và điện toán đám mây, hiện đang tập trung vào phát triển các thiết kế bán dẫn mới và xây dựng hệ sinh thái phần mềm đầu tiên cho các bộ xử lý máy chủ dựa trên Arm.
Mới đây, tại buổi ra mắt Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) được tổ chức tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á cho biết, hiện Việt Nam đang làm tốt ở lĩnh vực thiết kế chip và có một nguồn nhân lực dồi dào để đào tạo phát triển ngành này. Chính vì thế, rất nhiều công ty mạnh về chip ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) đều đã đầu tư vào Việt Nam.
Đối với thiết kế vi mạch, Việt Nam có đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng trong khâu thiết kế. Trong đó, nhân lực bán dẫn tập trung nhiều nhất tại thành phố Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Các kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam chủ yếu làm tại 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Về phía doanh nghiệp trong nước, nổi bật hiện có Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) và Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) với khoảng 200 nhân sự. |