Nhiều lãnh đạo cấp cao ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ bao gồm Intel, GlobalFoundries và Google sẽ tham dự một cuộc họp tại Việt Nam trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm chính thức Hà Nội theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, nhiều tên tuổi lớn ngành chip của "xứ cờ hoa" cũng đã có nhà máy hay văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Xu hướng tất yếu
Reuters dẫn số liệu của Chính phủ Việt Nam cho biết ngành bán dẫn của quốc gia Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn nửa tỷ USD mỗi năm, hiện đang tập trung vào khâu sản xuất phụ trợ của chuỗi cung ứng. Đó là lắp ráp, đóng gói và kiểm thử, trong đó đang dần mở rộng sang các bước khác như thiết kế chip.
Washington không nêu rõ sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển phân khúc nào của ngành bán dẫn Việt Nam, song giới chuyên gia công nghiệp Mỹ nhận định, back-end là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng, có thể sẽ nằm trong danh mục tập trung hợp tác giữa hai bên. Đây cũng là lĩnh vực mà Trung Quốc đang nắm vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Theo Boston Consulting Group, tính đến năm 2019, gần 40% hoạt động sản xuất phụ trợ toàn cầu là ở Trung Quốc, trong khi ở Mỹ chỉ là 2%, và có tới 27% nằm tại Đài Loan (Trung Quốc), nơi đang bị che phủ bởi lo ngại về bất ổn địa chính trị giữa hai bờ eo biển.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong chuyến thăm tới Hà Nội rằng, bên cạnh "gã khổng lồ" bán dẫn Intel đã hoạt động tại Việt Nam trong hơn 15 năm qua với nhà máy lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip lớn nhất của họ, thì Amkor, một "gã khổng lồ" khác về dịch vụ thử nghiệm và đóng gói bán dẫn, cũng đang xây dựng “một đại công xưởng lắp ráp và kiểm nghiệm bán dẫn” dự kiến khánh thành vào cuối năm nay.
Nhiều nhà đầu tư tư nhân hơn có thể sẽ xuất hiện, đặc biệt trong trường hợp phần lớn số tiền 500 triệu USD từ quỹ hỗ trợ bán dẫn của Đạo luật Chip được “giải ngân” tại Việt Nam.
Mỹ cũng có thể quan tâm tới nguồn cung vật liệu thô cho bán dẫn, chẳng hạn như đất hiếm - tài nguyên Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Việt Nam là điểm đến thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất thiết bị đúc chip từ giờ đến cuối thập kỷ này, gồm có "gã khổng lồ" máy đúc ASML của Hà Lan.
“Rất nhiều công ty tham dự vào chuyến đi thực tế tới Việt Nam, Malaysia và Singapore (vào tháng Ba vừa qua), do họ đang có nhu cầu mở rộng hoặc thiết lập cơ sở sản xuất tại các quốc gia này”, trích bản ghi chép của cơ quan phát triển Brabant, đơn vị đại diện cho 200 công ty sản xuất công nghệ cao có trụ sở gần Eindhoven.
“Giấc mơ” bán dẫn Việt Nam
Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, bằng cách tìm đường tiến đến lĩnh vực hẹp hơn, là thiết kế chip. Hiện "gã khổng lồ" phần mềm thiết kế vi xử lý Synopsys (Mỹ) đã có văn phòng đại diện tại đây, và dự kiến mở rộng hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, đối thủ của họ là Marvell đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm “tầm cỡ thế giới”, trong khi các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam cũng không ngừng mở rộng.
Synopsys là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hay phần mềm thiết kế chip. Công ty này cho biết họ sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và trao giấy phép phần mềm cho một trung tâm thiết kế chip tại đây.
Công ty phần mềm Mỹ có hai văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai văn phòng ở Đà Nẵng, với hơn 400 nhân viên và có kế hoạch bổ sung thêm 300 đến 400 nhân viên nữa trong thời gian tới.
Ngành công nghiệp EDA nhỏ hơn chế tạo chất bán dẫn, song đang trở thành mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chip khi Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy một giải pháp thay thế cho sự độc quyền của công nghệ Mỹ.
Động thái của Synopsys là một điều đáng hoan nghênh đối với Việt Nam. Các nhà sản xuất như Apple và Panasonic đang chuyển dịch sản xuất sang đây, song tốc độ tăng trưởng trong ngành bán dẫn chỉ thực sự khởi sắc cho đến khi những "gã khổng lồ" như Intel và Samsung tăng cường đầu tư cách đây hai năm.
Robert Li, Phó chủ tịch bán hàng của Synopsys tại Đài Loan, Đông Nam Á và Ấn Độ, cho biết, thông qua mối quan hệ đối tác với công ty nước ngoài, Việt Nam giờ đã có thể bắt đầu thiết kế mạch tích hợp (IC) “trưởng thành”, dùng trong tủ lạnh và điều hoà không khí, sau đó nâng cao dần vị thế trong chuỗi giá trị.
Trong khi đó, giám đốc bán hàng Adrian Ng Siong Teck nói rằng, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng với Synopsys nhưng “công ty buộc phải cẩn trọng”.
"Gã khổng lồ" EDA không tiết lộ quy mô đầu tư vào Việt Nam, song dự kiến sẽ trao 30 giấy phép cho công viên công nghệ (Saigon Hi-Tech Park), trị giá tổng cộng 20 triệu USD. Công ty cũng kỳ vọng các kỹ sư Việt Nam, vốn đã quen với việc thiết kế chương trình back-end cho những tập đoàn nước ngoài như Renasas hay Ampere, có thể tận dụng được chuyên môn của mình.
(Theo Reuters, Nikkei Asia)