Nhiều chính sách thu hút sinh viên quốc tế
Sau dịch Covid-19, nhiều quốc gia bắt đầu tăng cường các chính sách hỗ trợ du học sinh như học bổng, cơ hội việc làm, chính sách định cư… nhằm thu hút sinh viên quốc tế.
Tại Mỹ, năm 2022 có khoảng 950.000 sinh viên quốc tế đến du học, tăng 4% so với những năm trước. Việt Nam xếp thứ 5 về số lượng sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ.
Tại một Hội thảo du học diễn ra mới đây ở Hà Nội, Bà Lê Lam Anh, đại diện đơn vị hỗ trợ liên kết sinh viên quốc tế với các tổ chức giáo dục ĐH, cho hay hiện Mỹ có chính sách hỗ trợ định cư cho du học sinh theo học ngành STEM.
Cụ thể, chương trình OPT (giấy phép ở lại làm việc sau khi ra trường) đã được kéo dài tới 36 tháng. Trong thời gian hoàn thành chương trình, du học sinh có thể tìm hiểu và nộp hồ sơ xin visa định cư theo diện EB1, EB2, EB3.
“Đây là cơ hội rất thuận lợi và cũng là lý do ngành STEM tại Mỹ đang được nhiều học sinh lựa chọn trong những năm gần đây”, bà Lam Anh nói.
Trong khi đó, để thu hút du học sinh, Canada hiện sử dụng hệ thống xét điểm định cư dựa trên trình độ học vấn, khả năng ngôn ngữ, tuổi tác của ứng viên. Các ứng viên có điểm cao nhất sẽ được Chính phủ gửi thư mời nộp hồ sơ xin được định cư vĩnh viễn.
Tại Australia, sau dịch Covid-19, các trường đại học cởi mở hơn trong việc tuyển sinh. Yếu tố đầu vào cũng “dễ thở” hơn ở một số trường.
Bà Phan Thu Thủy, đại diện tuyển sinh của ĐH Tasmania (Australia), cho hay quốc gia này đang có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế. Bởi sau dịch Covid-19, Australia đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng ở một số ngành.
Do vậy, một số chính sách được quốc gia này đưa ra như tăng thời gian ở lại sau khi tốt nghiệp đối với những ngành đang thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao, tăng số giờ làm thêm...
Cụ thể, những sinh viên đang theo học bậc cử nhân có tiêu chuẩn ở lại Australia sau khi tốt nghiệp là 2 năm, thạc sĩ là 3 năm.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7 tới, sinh viên học ở một số ngành đang thiếu hụt nhân lực sẽ được ở lại thêm 2 năm. Một số sinh viên theo học ở những vùng xa như Tasmania, thậm chí có thể ở lại thêm từ 1 – 2 năm nữa.
“Như vậy, du học sinh sau khi tốt nghiệp ở Australia có thể ở lại tối đa từ 6 - 7 năm. Khoảng thời gian đó đủ dài để du học sinh tìm kiếm cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế”, bà Thủy nói.
Trong khi đó tại Anh, theo ông Phan Trung Dũng, đại diện tuyển sinh của ĐH London South Bank, trước đây sinh viên thường tìm đến Anh để theo học bậc sau đại học nhiều hơn bậc ĐH. Hiện tại, số lượng sinh viên tìm đến chương trình cử nhân đang tăng lên.
Lý do là hệ thống giáo dục ở Anh hiện tại đối với bậc cử nhân chỉ gói gọn trong 3 năm - ngắn hơn so với các nước khác trên thế giới. Đối với chương trình thạc sĩ cũng gói gọn trong 1 năm.
“Đây là sự lựa chọn phù hợp cho những sinh viên có mong muốn trải nghiệm học tập ở Anh trong thời gian ngắn hạn, sau đó trở lại Việt Nam tìm kiếm công việc”, ông Dũng nói.
Dù vậy, hiện một số trường top ở Anh vẫn yêu cầu sinh viên phải có 1 năm học dự bị. Do đó, nếu học sinh không theo học tại các trường có đào tạo chương trình A-level hay IB, thời gian học vẫn kéo dài 4 năm.
Chi phí đi du học tại các nước
Ông Dũng cho biết: "Nhiều người thường nghĩ đi du học Anh sẽ có chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên thời gian qua, có một số thay đổi khiến đồng bảng Anh mất giá. Đây là thời điểm vàng đi du học Anh tiết kiệm chi phí”.
Mặc dù ở mỗi thành phố và mỗi trường ĐH sẽ có mức chi phí sinh hoạt và học phí khác nhau, tuy nhiên ông Dũng nói thêm mức chi phí trung bình cho chương trình cử nhân hoặc sau đại học ở Anh hiện dao động khoảng 18.000 – 20.000 bảng/năm, cùng chi phí sinh hoạt khoảng 1.200 – 1.500 bảng/tháng.
Chương trình học bổng ở các trường tại Anh cũng khá đa dạng. Nước này hiện có học bổng dành riêng cho từng quốc gia hoặc từng khu vực, ví dụ như học bổng dành cho khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, những học bổng có giá trị cao hơn (khoảng 50% – 80%) sẽ là những học bổng được đánh giá dựa trên các yếu tố về kết quả học thuật, năng lực tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa, bài luận cá nhân và phỏng vấn.
Trong khi tại Mỹ, mức học phí trung bình dao động khoảng 20.000 – 30.000 USD/năm. Tại một số trường tư, mức học phí có thể lên tới 60.000 USD/ năm. Chi phí sinh hoạt tại đây dao động khoảng 15.000 – 20.000 USD/năm.
Còn tại Australia, mức phổ biến cho chương trình ĐH dao động khoảng 27.000 – 50.000 đô Australia/năm. Chi phí sinh hoạt khoảng 17.000 – 21.000 đô Australia/năm tùy từng vùng.
Australia cũng cấp nhiều mức học bổng cho sinh viên, trong đó mức phổ biến chỉ cần xét duyệt dựa trên học lực ở bậc học gần nhất là 20-30%. Ngoài ra, quốc gia này cũng cấp mức học bổng 50% và 100% dựa trên học lực của học sinh, bài luận, hoạt động ngoại khóa và vòng phỏng vấn.
Một số kỹ năng được các trường đại học tại Australia đánh giá cao bao gồm kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, làm việc nhóm, kết nối.
Các chuyên gia cho biết, mức chi phí trung bình khi đi học ở những nước này nếu không có học bổng khoảng 1 tỷ đồng/năm.