Hãng thông tấn Reuters, dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/4, cho biết động thái trên nhằm đáp ứng yêu cầu từ chính phủ Kiev trong việc mua "nhiều loại đạn phi chuẩn", thuật ngữ thường dùng để chỉ các loại đạn không tuân theo quy chuẩn của NATO.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lô vũ khí trên có thể bao gồm các loại đạn cho pháo, xe tăng và súng phóng lựu như đạn 152mm cho pháo tự hành 2A36 Giatsint, đạn 152mm cho lựu pháo D-20, đạn VOG-17 dùng cho súng phóng lựu tự động AGS-17, đạn 125mm HE cho xe tăng T-72 và đạn 152mm cho lựu pháo 2A65 Msta. Số lượng cụ thể của chúng không được Washington công bố.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Yêu cầu bổ sung đạn dược hàng ngày cho binh lính Ukraine để bảo vệ đất nước họ tiếp tục tăng lên. Những kho dự trữ đạn dược cho các hệ thống tác chiến đang cạn kiệt là một trong những lý do dẫn đến tình trạng khẩn cấp".
Mỹ chưa từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ năm 2019, thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng biện pháp này để bán lượng lớn vũ khí cho các đồng minh khối Ả-rập nhằm răn đe Iran, một động thái khiến nhiều nghị sĩ tức giận và cáo buộc Tổng thống Trump lách luật để qua mặt Quốc hội Mỹ.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội Mỹ về việc có thể bán lô đạn dược cho Ukraine từ hôm 24/4.
Tổng thống Joe Biden trong tháng này đã công bố 2 gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ quân sự của Washington cho Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt lên hơn 3 tỷ USD.
Nga nhiều lần nói việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm, đồng thời cảnh báo các lô vũ khí viện trợ của nước ngoài vào Ukraine có thể trở thành "mục tiêu chính đáng" của lực lượng Nga.
Việt Anh