Ngày 5/9, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chính phủ nước này muốn biết thành phần chính xác của con chip trong Huawei Mate 60 Pro.
Sau khi hãng TechInsights “mổ bụng” thiết bị đã phát hiện chip trên thiết bị chỉ đi sau vài năm so với thế hệ hiện tại và do SMIC, công ty bán dẫn bị Mỹ cấm vận, sản xuất.
Ông Sullivan đã phá vỡ sự im lặng của Washington trước việc Huawei đột ngột công bố Mate 60 Pro “không kèn, không trống”. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi đây là đột phá trong nỗ lực giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Sullivan “từ chối bình luận về con chip cụ thể được đề cập cho đến khi có thêm thông tin chính xác về đặc điểm và thành phần của nó”. Theo cố vấn Sullivan, Mỹ nên tiếp tục thực hiện các hạn chế công nghệ tập trung vào lo ngại an ninh qốc gia.
Huawei và SMIC đều là đối tượng của các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn họ tiếp cận công nghệ và thiết bị sản xuất chip mới nhất do lo ngại khả năng hỗ trợ quân sự Trung Quốc.
Mate 60 Pro sử dụng chip Kirin 9000s, sản xuất trên quy trình 7nm, cho thấy tiến bộ ban đầu của Bắc Kinh trong việc loại bỏ công nghệ Mỹ.
Một số nhà phân tích gợi ý, nếu được sản xuất số lượng lớn, Mate 60 Pro sẽ đe dọa iPhone tại đại lục. Theo Edison Lee của hãng Jefferies, doanh số iPhone thế hệ mới có thể giảm 38% vì đối thủ đến từ Huawei.
Huawei ra mắt smartphone cao cấp mà không tổ chức sự kiện chính thức. Tin tức về con chip và tốc độ kết nối không dây nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội khi tinh thần yêu nước càn quét khắp Weibo và các mạng xã hội khác.
Không chỉ Huawei, hãng chip SMIC cũng bị chú ý. Với con chip Kirin 9000s, SMIC được cho là đang âm thầm giúp Huawei vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ.
Nhà phân tích Edison Lee cho rằng tiến bộ của SMIC có thể gây tranh luận về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt tại Mỹ. Một số giả thuyết được đưa ra là SMIC sử dụng thiết bị quang khắc tia cực tím sâu (DUV) để sản xuất chip 7nm, hoặc chip Kirin 9000s đến từ kho chip bí mật do Huawei phát triển.
“Rõ ràng là ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò vô cùng chiến lược với mọi quốc gia trên thế giới. Xét đến căng thẳng địa chính trị, mỗi nước đều cố gắng hết sức để ổn định và cải thiện hoạt động của chính họ”, Ajit Manocha – CEO tập đoàn công nghiệp SEMI – trả lời trên Bloomberg TV. “Vì vậy, tôi không ngạc nhiên nếu Trung Quốc nỗ lực trong nhiều năm”.
Vài chuyên gia cảnh báo chiến dịch toàn cầu do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tối tân sẽ chùn bước nếu chính phủ không hành động sau khi xác định được vi phạm cấm vận. Quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định họ muốn tìm cách giảm rủi ro hơn là tách khỏi Trung Quốc.
“Huawei đang thử nghiệm lằn ranh đỏ của Mỹ. Nếu Mỹ không có hành động nào, Huawei sẽ cho rằng không có gì phải sợ và các nhà cung ứng khác sẽ bắt đầu bắt chước những gì SMIC làm, lệnh cấm vận của Mỹ sẽ sụp đổ”, Lin Tsung Nan, Giáo sư kỹ thuật điện tại Đài Loan (Trung Quốc) nhận xét.
(Theo SCMP)