Sáng 28/7, nhà thơ Thiên Hà có mặt từ sớm để đợi đến giờ viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (Gò Vấp, TP.HCM). Trong buổi lễ, ông mang cuốn sách Sài Gòn xưa mà chưa cũ, trong đó có viết về cuộc đời Tôn Thất Lập đặt trước di ảnh của nhạc sĩ. Đây là món quà đặc biệt mà nhà thơ Thiên Hà dành tặng người bạn tri kỷ.
Khi được hỏi về món quà đặc biệt này, nhà thơ Thiên Hà cho biết lúc sinh thời, ông ngỏ ý viết về cuộc đời Tôn Thất Lập nhưng nhạc sĩ từ chối vì nghĩ không xứng đáng để được đưa vào sách. Sau nhiều lần thuyết phục, nhạc sĩ đã đồng ý cho nhà thơ Thiên Hà đưa tên mình vào sách.
Chia sẻ với VietNamNet, nhà thơ Thiên Hà bồi hồi nhớ lại: “Quyển sách này tâm huyết của anh em chúng tôi. 2 năm trước, lúc tôi và anh Lập còn khoẻ, tôi rủ anh làm một điều gì đó để lưu lại ký ức thời trẻ. Thế là tôi bắt tay vào viết quyển sách kể về những ngày tháng hào hùng của những chiến hữu một thời gắn bó với phong trào yêu nước của sinh viên miền Nam”.
Sau khi hoàn thành một phần cuốn sách, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đọc qua và thấy rất vui. Nhạc sĩ tâm sự với nhà thơ Thiên Hà: “Chúng ta đúng là Sài Gòn xưa mà chưa cũ. Chúng ta vẫn còn mới”. Kể đến đây, nhà thơ Thiên Hà nghẹn ngào: “Giờ đây, những người đồng đội của tôi dần khuất bóng, tôi phải chứng kiến sự rời đi của anh Lập…”.
Tình bạn giữa nhạc sĩ Tôn Thất Lập và nhà thơ Thiên Hà bắt đầu vào những năm đầu thập niên 1960 với những dấu ấn như: Những đêm không ngủ, Dậy mà đi, Hát cho dân tôi nghe… Trong thời chiến, nhà thơ Thiên Hà và nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng ở mặt trận Sài Gòn tiến vào vùng giải phóng. Sau mỗi trận chiến đấu, họ lại mang thơ và nhạc ra làm chất liệu tinh thần. Trải qua những năm tháng chiến đấu, tình bạn ấy gắn bó đến hiện tại.
Nghĩ về người bạn quá cố của mình, nhà thơ Thiên Hà chia sẻ: “Anh Tôn Thất Lập chưa từng kiêu ngạo, không khoe khoang và rình rang ồn ào. Anh làm việc hết mình, sáng tác bằng cả trái tim và tâm hồn. Chính vì thế, mỗi tác phẩm của anh đều mang tính mới. Dù cho thời này, những bài đó đã cũ nhưng vẫn sống trong lòng người yêu nhạc”.
Trong tang lễ, nhà thơ nghẹn ngào chia sẻ về sự ra đi của người bạn thân. “Hôm nay, tôi rất buồn, không có cuộc chia ly nào là không có nước mắt. Tôi nhớ mãi câu nói của 2 anh em: Nếu không có bây giờ thì mai sau không có cũng như anh Lập. Tôi tin rằng sau khi anh mất đi, mọi người sẽ mãi nhớ về anh. Mong anh được an nghỉ”.
Cùng với nhà thơ Thiên Hà, sáng 28/7, một số cơ quan đoàn thể và các nghệ sĩ NSƯT Trần Vương Thạch, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Phúc Thiện... cũng đến viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập và chia buồn với gia đình. Ca sĩ Mỹ Tâm cũng gửi vòng hoa tới viếng người nhạc sĩ tài hoa.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là gương mặt tiêu biểu trong phong trào đấu tranh đô thị của giới trẻ miền Nam trước năm 1975. Ông sinh năm 1942, qua đời sáng 26/7 tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 81 tuổi.
Những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông là: Xuống đường, Người đợi người, Hát trong tù, Lúa reo trên những cánh đồng, Hát cho dân tôi nghe... Ngoài sự nghiệp âm nhạc có sức ảnh hưởng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tang lễ nhạc sĩ Tôn Thất Lập được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5, Phạm Ngũ Lão, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) sáng 28/7. Lễ truy điệu sẽ diễn ra lúc 6h ngày 30/7. Sau đó, linh cữu nhạc sĩ được an táng tại Nghĩa trang TP. HCM.
Phước Sáng - Cát Tường
Ảnh: Nguyễn Huế