Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vừa quyêt định tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm từ mức 0,75-1% lên mức 1,5-1,75% trong phiên họp kết thúc vào rạng sáng 16/6 (giờ Việt Nam).
Đây là mức điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 của Fed nhằm kiềm chế lạm phát leo thang lên mức kỷ lục trong 42 năm qua. Trong tháng 5, Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên tới mức 8,6% do giá năng lượng, lương thực tăng vọt vì ảnh hưởng hậu Covid, vì cuộc xung đột Nga-Ukraine…
Đây là lần tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, sau đợt tăng 0,25% trong tháng 3 và 0,5% trong tháng 5.
Trong cả tháng trước đó, giới đầu tư cho rằng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần qua, thị trường đã thay đổi kỳ vọng cho rằng, Fed sẽ lãi suất với tốc độ nhanh hơn, ở mức 75 điểm phần trăm. Thậm chí nhiều kỳ vọng Fed tăng 100 điểm sau khi Mỹ ghi nhận lạm phát chưa có suy giảm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, mức tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm là “không bình thường” và trấn an thị trường với khẳng định cho rằng sẽ không có thêm nhiều lần tăng mạnh như vậy trong các tháng tới.
Trên thực tế, theo kế hoạch trước đó, Fed sẽ có thêm nhiều lần tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm và lãi suất cơ bản sẽ lên ngưỡng khoảng 3% vào cuối năm.
Tuy nhiên, thực tế nền kinh tế Mỹ đã có nhiều biến động, đặc biệt là lạm phát chưa có tín hiệu đi xuống, và do vậy ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải có những hành động nhanh và mạnh hơn.
Với phát biểu của ông Jerome Powell, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần mạnh nữa (khả năng 75 điểm phần trăm) trong cuộc họp vào tháng 7 tới và sau đó sẽ tăng với tốc độ chậm hơn theo tín hiệu của thị trường.
Ông chủ Fed cho biết, trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản.
Với định hướng mới, lãi suất cơ bản sẽ lên ngưỡng 3,4% vào cuối năm nay và 3,8% vào năm 2023
Động thái tăng mạnh lãi suất trong phiên đêm qua của Fed đã giúp thị trường tài chính Mỹ trở nên ổn định hơn. Lợi tức trái phiếu hạ nhiệt, thị trường chứng khoán tăng trở lại sau 5 phiên sụt giảm…
Việc thắt chặt chính sách sẽ ảnh hưởng tới sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ được kéo xuống còn 1,7%, thay vì mức dự báo tăng 2,8% hồi tháng 3.
Nhiều tổ chức gần đây lo ngại kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng rõ nét. Đây cũng là điều mà Fed tính toán kỹ khi hoạch định các chính sách của mình. Mặc dù tăng lãi suất mạnh nhưng Fed cho thấy tín hiệu sẽ chậm lại quá trình hút tiền về. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường.
Fed cũng có những đánh giá không u ám đối với nền kinh tế Mỹ dù lạm phát tăng cao. Theo đó, hoạt động kinh tế tổng thể Mỹ “dường như đã sôi nổi hơn sau quý I ảm đạm”. Việc làm đã tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.
Theo Fed, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,6% và sẽ tăng lên 4,1% vào năm 2024. Những yếu tố này khiến kỳ vọng của về một khả năng "hạ cánh mềm" trở nên mong manh hơn. Sau những lần thắt chặt chính sách tiền tệ, các nước thường đối mặt với một đợt suy thoái kinh tế.
Không chỉ Mỹ, châu Âu và nhiều nước châu Á cũng đang đối mặt với lạm phát cao.
Đêm qua (giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải họp khẩn cấp ngay trước thềm cuộc họp Fed để bàn về lợi tức trái phiếu và lạm phát khi mà lạm phát phát khu vực EU lên đỉnh cao lịch sử 8,1% trong tháng 5/2022 và thị trường tài chính nhiều nước biến động tiêu cực chưa từng có. Trái phiếu nước Ý bị bán tháo, khiến lợi tức trái phiếu quốc gia này tăng vọt lên trên 4% và đang trên đường hướng tới mốc 5%. ECB được cho là đã thảo luận về việc tái đấu tư trở lại cho chương trình thu mua trái phiếu khẩn cấp nhằm đối phó với đại dịch (PEPP) trong cuộc họp bất thường này.
Sau cuộc họp, nhà tạo lập chính sách Pierre Wunsch của ECB cho biết, ECB rất sẵn sàng can thiệp nếu các thị trường phản ứng thái quá.
M. Hà