Trước đó, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật buộc công ty ByteDance của Trung Quốc phải bán TikTok trong vòng 9 tháng, nếu không ứng dụng video ngắn này sẽ bị cấm ở Mỹ. Hiện ở Mỹ có khoảng 170 triệu người sử dụng TikTok. Việc TikTok bị cấm sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chính ứng dụng này mà còn tác động sâu sắc tới người dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Người phát ngôn của TikTok cho rằng, dự luật mà Hạ viện thông qua "sẽ chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm".
Trong khi đó, với cuộc bỏ phiếu vừa được Thượng viện thông qua, quốc hội Mỹ đã đạt được đồng thuận lưỡng đảng về dự luật gây sức ép mạnh mẽ với TikTok. Theo quy trình, dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Joe Biden ký duyệt. Hồi tháng Ba, ông Joe Biden khẳng định “sẽ ký ban hành luật nếu quốc hội thông qua”.
Trong email nội bộ, TikTok cho biết sẽ đâm đơn kiện để ngăn chặn đạo luật này.
Năm 2020, TikTok bất ngờ bị chính phủ Ấn Độ chặn truy cập, gây sốc hơn 200 triệu người dùng tại quốc gia Nam Á này. Song, động thái này đến chủ yếu do những tranh chấp biên giới giữa New Delhi và Bắc Kinh xảy ra vào tháng Sáu năm đó, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã lên tiếng lo ngại Trung Quốc có thể buộc công ty mẹ ByteDance của TikTok bàn giao dữ liệu thu thập được từ người dùng Mỹ. Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, những lo ngại về an ninh quốc gia xung quanh TikTok phần lớn vẫn chỉ là giả thuyết.
Vivan Sharan, quản lý tại công ty tư vấn chính sách công nghệ Koan Advisory Group, không chắc về việc loại bỏ TikTok có ảnh hưởng đến bức tranh an ninh mạng không. Trừ khi người dùng thay đổi nhận thức về phần mềm trên điện thoại hay những gì họ tải xuống từ Internet, điều này khó có thể thay đổi, ông nói.
Về mặt nội dung và thông tin sai lệch, dù có hay không có TikTok, chúng ta vẫn phải vật lộn với các vấn đề nghiêm trọng như deepfake, ông Sharan nói thêm.