Nguồn tin của Reuters cho biết, cuộc họp đáng ra đã diễn ra vào đầu tuần, song bị hoãn do lịch trình chưa thống nhất. Hiện chính quyền Tổng thống Biden đang chịu sức ép lớn từ các nghị sĩ, buộc phải thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với tình trạng công nghệ Mỹ chảy sang Trung Quốc.
Hiệp hội bán dẫn Mỹ đại diện cho các hãng chip chủ chốt như Nvidia và Intel, những doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng doanh số tại Trung Quốc do các lệnh hạn chế xuất khẩu gần đây Washington đưa ra.
Nội dung cuộc họp gần như chắc chắn xoay quanh việc thắt chặt hơn nữa về bán chip AI tiên tiến cho Bắc Kinh, mở rộng sang cả những bộ vi xử lý kém tiên tiến hơn. Ngoài ra, yêu cầu cắt giảm số lượng máy sản xuất bán dẫn gửi sang Trung Quốc cũng có thể được nêu ra.
Bên cạnh đó, các kế hoạch đầu tư của những công ty bán dẫn Mỹ tại thị trường Trung Quốc cũng cần xem xét lại.
Mike Gallagher, nhà lập pháp đảng Cộng hoà cho biết việc Trung Quốc tăng cường năng lực sản xuất những con chip kém tiên tiến hơn, sử dụng trong động cơ, máy giặt hay các vật dụng hằng ngày khác có thể dẫn đến rủi ro thị trường Mỹ bị lũng đoạn bởi những vi xử lý giá rẻ, đẩy doanh nghiệp bán dẫn nội địa nước này đến tình trạng lao đao.
Sự trở lại của Huawei
Reuters cho hay, Huawei Technologies đã bắt đầu xuất xưởng lô chip mới “made in China” dùng trong camera giám sát, dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tìm ra cách vượt qua rào cản cấm vận suốt bốn năm qua của Mỹ.
Theo đó, HiSilicon (đơn vị sản xuất chip của Huawei) đã bắt đầu gửi đơn hàng đến những nhà sản xuất camera giám sát trong năm nay, trong đó một phần khách hàng là ở Trung Quốc.
HiSilicon chủ yếu cung cấp chip cho Huawei, nhưng cũng có khách hàng bên ngoài như Dahua Technology và Hikvision. Theo công ty môi giới Southwest Securities, trước khi bị Mỹ cấm vận, họ là nhà cung cấp chip thống trị lĩnh vực camera giám sát, với thị phần toàn cầu lên đến 60% vào năm 2018.
Đến năm 2021, dữ liệu từ công ty tư vấn Frost&Sullivan cho thấy, thị phần của HiSilicon giảm mạnh xuống chỉ còn 3,9%. Đơn vị này bắt đầu sản xuất chip cấp thấp từ năm 2019, song trọng tâm của hãng là xâm nhập thị trường cao cấp và lấy lại thị phần từ Novatek Microselectronics Corp của Đài Loan.
Tháng 3/2023, Huawei tuyên bố đã đạt được bước đột phá trong công cụ thiết kế chip trên tiến trình 14 nanomet (nm) trở lên, mặc dù vẫn chậm hơn từ hai đến ba thế hệ so với công nghệ hiện đại nhất. Đến tháng 8/2023, công ty này bất ngờ tung ra mẫu điện thoại Mate 60 Pro sử dụng con chip tiên tiến do SMIC chế tạo.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Huawei có thể sản xuất chip tiên tiến trên quy mô lớn.
Trong khi đó, Dan Hutcheson, chuyên gia phân tích tại TechInsight, nhận định Huawei có thể đã có quyền truy cập vào các công cụ EDA (phần mềm tự động hoá thiết kế điện tử) mà “đáng ra họ không thể”.