“Ngoài số tên lửa trên, thì các bệ phóng, máy chiếu laser và trang thiết bị nhìn đêm sẽ được chúng tôi cung cấp cho Ukraine. Hellfire chính là loại vũ khí mà chính quyền Kiev yêu cầu, và nó sẽ chứng tỏ được tính hữu dụng khi tham gia thực chiến. Tên lửa này rất dễ sử dụng, và có thể dùng để chống lại các mục tiêu trên bờ lẫn trên biển”, trang tin Ukrinform dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram phát biểu khi tham dự hội thảo được tổ chức ở Ramstein, Đức hôm 8/9.
“Các lực lượng vũ trang Na Uy sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng của số tên lửa trên trước khi chuyển chúng đi. Hơn nữa, các binh sĩ Ukraine từng được huấn luyện cách thức sử dụng loại vũ khí này”, ông Gram nói thêm.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, nước này và các quốc gia đồng minh “đang viện trợ cho Ukraine khí tài có trong kho vũ khí của họ, và dự kiến trong thời gian tới các tổ hợp công nghiệp quốc phòng phương Tây sẽ đảm bảo nguồn cung ứng nhiều loại vũ khí hiện đại và hiệu quả hơn cho Kiev”.
Hiện chưa rõ Oslo sẽ viện trợ cho Kiev biến thể nào của tên lửa AGM-114 Hellfire.
Trang quân sự Military Today cho biết, AGM-114 Hellfire ‘lửa địa ngục’ là một trong những tên lửa phóng từ trực thăng phổ biến và quan trọng nhất trong kho vũ khí của nhiều quốc gia phương Tây. Tên lửa này có trọng lượng từ 45,5-49kg tùy biến thể, trong đó phần đầu đạn nổ lõm chống tăng (HEAT) nặng từ 8-9kg; chiều dài từ 1,63-1,8m; thân tên lửa có đường kính 0,18m.
Hellfire được trang bị hệ thống ngắm mục tiêu bằng laser, tức máy chiếu sẽ chiếu tia laser và điều khiển tên lửa bay đến vị trí của mục tiêu. Tên lửa có tầm bắn tối đa lên tới 9km. Theo Tạp chí Defense Post, Hellfire có trị giá hơn 150.000 USD/quả (Theo thời giá năm 2021).
Kiev tuyên bố tái kiểm soát nhiều nơi ở Kharkiv
“Kể từ đầu tuần tới nay, các lực lượng vũ trang Ukraine phối hợp cùng nhiều đơn vị vệ binh quốc gia và an ninh khác đã tiến hành các hoạt động tác chiến theo một số hướng tấn công. Ở thời điểm hiện tại, các đơn vị quân sự đã thọc sâu vào tuyến phòng thủ của đối phương hơn 50 km. Tại tỉnh Kharkiv, có hơn 20 khu dân cư được chúng tôi tái kiểm soát”, Chuẩn tướng Ukraine Oleksiy Hromov nói với trang tin Ukrinform hôm 8/9.
“Ở hướng Kramatorsk, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Ukraine đã ‘cải thiện’ vị trí chiến thuật của họ với việc tiến thêm 2km nữa. Trong các hoạt động tấn công theo hướng thành phố Sloviansk, các đơn vị thuộc lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103 đã phối hợp với trung đoàn số 15 của vệ binh quốc gia Ukraine và tiến thêm được 3km, cũng như chiếm lại khu dân cư Ozerne”, ông Hromov nói thêm.
Theo Tướng Hromov, các cuộc phản công gần đây từ tỉnh Kharkiv xuống miền nam Ukraine đã giúp Kiev “tái kiểm soát hơn 700km vuông”.
Ở một diễn biến khác, giới chức quân sự Nga cùng ngày tuyên bố rằng lực lượng pháo binh và tên lửa của nước này đã phá hủy năm kho đạn của quân đội Ukraine. “Năm kho đạn trên nằm lần lượt ở các khu vực Trudovoye thuộc tỉnh Zaporizhzhia; Kurakhovo, Konstantinovka, Seversk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Balakleya thuộc tỉnh Kharkiv”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với hãng tin TASS.
Hiện các hãng thông tấn độc lập chưa thể xác minh những tuyên bố được giới chức quân sự Nga-Ukraine đưa ra.
IAEA giải thích nội dung bản báo cáo về nhà máy Zaporizhzhia
“Tôi cần phải nhấn mạnh rằng công việc của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là đảm bảo an toàn ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, chứ không phải tìm hiểu xem ai đã thực hiện các vụ pháo kích. Đó chính là lý do vì sao bản báo cáo cần phải tránh vấn đề này”, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói với hãng tin RT hôm 8/9.
“Chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đưa ra những chỉ trích tương tự dành cho chúng tôi, khi bản báo cáo không nhắc về việc các vụ tấn công ‘nghi’ do Nga thực hiện. Việc phải trở thành thẩm phán hay trọng tài giữa hai bên Nga-Ukraine không phải là trách nhiệm của tôi. Nếu tôi thực hiện việc phán xử, thì tôi đã tự vứt bỏ tư cách của bản thân như một người đảm bảo sự an toàn cho nhà máy điện hạt nhân”, ông Grossi nói thêm.
Theo Tổng Giám đốc IAEA, lựa chọn tốt nhất sẽ là “Nga và Ukraine cùng nhất trí về việc không thực hiện các vụ tấn công nhằm vào nhà máy Zaporizhzhia”.
RT nhận định, các phát biểu trên được ông Grossi đưa ra trong bối cảnh giới chức Nga gần đây đã nêu nhiều nghi ngờ về tính minh bạch của nội dung bản báo cáo IAEA công bố. “Việc IAEA không xác định bên nào thực hiện những vụ pháo kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân là một điều đáng tiếc”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói.