Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.
Trước đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ dừng lại ở việc sử dụng thẻ ATM hoặc các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng thì hiện giờ người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh để quản lý tài khoản và thanh toán nhanh chóng bằng các giải pháp như xác thực sinh trắc học vân tay, nhận diện khuôn mặt. Tính năng thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code) trở nên phổ biến hơn vì tính thuận tiện, dễ sử dụng.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Ví MoMo cho biết, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động ở các tỉnh thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thúc đẩy thói quen tiêu dùng không tiền mặt và hướng tới sự xuất hiện của những đô thị không tiền mặt đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ hành chính công, bệnh viện, trường học, xăng dầu, phí cầu đường…, sắp tới, MoMo sẽ đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp, tiểu thương.
Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho hay tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Ngân hàng Nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Những con số trên chứng tỏ dư địa phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, để tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn tiếp theo, ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; Tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm. Đồng thời, phấn đấu, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%...
Chính phủ cũng đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công. Cụ thể, từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...