Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trở thành xu thế hiện đại. Không chỉ mang lợi ích cho người tiêu dùng nhờ sự nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, nó còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phù hợp với xu thế chuyển đổi số nói chung và ngành điện nói riêng.
Đối với khách hàng sử dụng điện, thanh toán qua các kênh điện tử giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính kết nối Internet, họ có thể đóng tiền điện ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, tạo sự chủ động mà trước đây không có được. Do có nhiều phương thức khác nhau, khách hàng được tự do lựa chọn phương thức phù hợp nhất với mình.
Theo số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 10, đã có 93,32% khách hàng trả tiền điện không dùng tiền mặt, tỷ lệ tiền điện thanh toán không bằng tiền mặt toàn EVN đạt 97,57%. Để đạt được những con số ấn tượng như vậy, các đơn vị thuộc EVN đã không ngừng đầu tư vào hạ tầng, nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác như ngân hàng, tổ chức trung gian.
Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, PC Quảng Ninh tích cực cùng đối tác cung cấp giải pháp thanh toán tiền điện cho khách hàng, trích nợ tự động qua các tài khoản ngân hàng và ví điện tử. PC Quảng Ninh sẽ thông báo tiền điện hàng tháng qua tin nhắn SMS hoặc Zalo. Khách hàng cũng chủ động tra cứu tiền điện qua website CSKH hoặc app CSKH. Sau đó, có thể trả tiền điện qua nhiều hình thức như Internet/Mobile/SMS Banking, qua website, ví điện tử (Payoo, Momo, ViettelPay) hay mã QR.
Nhằm giúp người dân hiểu biết và quen thuộc hơn với thanh toán không dùng tiền mặt, PC Quảng Ninh triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền như gửi thông báo khuyến mại của các ví điện tử qua Zalo, cùng Viettel Quảng Ninh mở rộng địa bàn để thu tiền điện qua ví điện tử Viettel hay đẩy mạnh truyền thông tại các điểm giao dịch của Bưu điện.
Nhờ nỗ lực đa dạng hóa giải pháp thanh toán và tăng cường truyền thông quảng bá, tính đến tháng 9/2022, đã có 373.877 khách hàng PC Quảng Ninh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tăng so với kế hoạch NPC giao là 6,14%. Số khách hàng trích nợ tự động là 97.704 khách hàng, chiếm tỷ lệ 22,41% trên tổng số khách hàng thanh toán, tăng 0,35% so với kế hoạch NPC giao.
Dù vậy, PC Quảng Ninh cũng gặp một số thách thức trong triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn có thói quen dùng tiền mặt; chưa quen dùng tài khoản ngân hàng; người cao tuổi chưa biết cách dùng điện thoại thông minh, Internet.
Điện lực tại các tỉnh thành khác như Bắc Kạn, Điện Biên Phủ… cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong ba tháng cuối năm. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành điện lực tích cực vận động khách hàng sử dụng điện cài đặt phần mềm, ứng dụng thanh toán tiền điện. Điện lực Điện Biên Phủ áp dụng các biện pháp nhằm thu thập thông tin Zalo, cập nhật thông tin của khách hàng sử dụng điện, cũng như hướng dẫn họ sử dụng ứng dụng.
Trước đây, việc thông báo tiền điện, lịch cắt điện qua SMS có nhiều hạn chế về số lượng ký tự, tin nhắn không dấu, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Với các ứng dụng hiện đại như Zalo hay mạng xã hội, công tác chăm sóc khách hàng được cải thiện, thông tin được truyền đạt đầy đủ, kịp thời hơn.
Nhìn chung, thanh toán điện tử thể hiện rõ vai trò trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và phòng chống dịch Covid-19. Trong các năm qua, EVN đã tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung. Ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chuẩn cơ sở về kỹ thuật QR Code, EVN đã nhanh chóng áp dụng trên hoá đơn tiền điện điện tử, giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, EVN được xem là một trong những điển hình thành công về ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế tại Việt Nam.