Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân.
Đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,0 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao. Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 25% tổng số giường bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, số bác sĩ trên 10.000 dân của Việt Nam là 12,5 (so với năm 2020 là 9,81 bác sĩ/vạn dân). Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 125.000 bác sĩ. Tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân của nước ta là 32.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội giao tại Nghị quyết 103/2023/QH15 và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngành Y tế được giao nâng số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 13,5 bác sĩ và số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32,5 giường bệnh.
Năm 2020, mật độ bác sĩ trên dân số trung bình của cả nước là hơn 9,8 bác sĩ/ 10.000 dân. Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên mới đạt 7,2 bác sĩ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7,6 bác sĩ. Vùng Đông Nam bộ có 10,6 bác sĩ/10.000 dân. Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/ năm.
Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm hệ thống các cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; y tế dự phòng, y tế công cộng; kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vắc xin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản.
Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cả nước có 34 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, trong đó có 11 bệnh viện đa khoa và 23 bệnh viện chuyên khoa với số giường bệnh chiếm tỷ trọng là 9,4% tổng số giường bệnh trên cả nước. Cùng đó, 7 bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế.
Tại tuyến tỉnh, có 471 bệnh viện tỉnh (bao gồm cả đa khoa và chuyên khoa) với số giường bệnh chiếm tỷ trọng gần 83,6% tổng số giường bệnh công lập.
Về tư nhân, có 231 bệnh viện tư nhân với số giường bệnh chiếm 4% tổng số giường bệnh, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, ngoài ra một số địa phương khác có số bệnh viện tư nhân đông như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đà Nẵng.
Mạng lưới dược sĩ và điều dưỡng theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2025 | 2030 | 2050 | |
Số dược sĩ trên 1 vạn dân | 3,4 | 4 | 4,5 |
Số điều dưỡng trên 1 vạn dân | 25 | 33 | 90 |