Cắt giảm lượng phát thải ngay từ bây giờ
Báo cáo "Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không" (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch vừa phát hành đánh giá Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cam kết của Việt Nam công bố tại COP26, báo cáo cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nhằm cắt giảm đáng kể lượng phát thải bắt đầu ngay từ bây giờ, đặc biệt là trong ngành điện
Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ8) đưa ra mục tiêu đặc biệt tham vọng trong phát triển dài hạn, tập trung mở rộng đáng kể quy mô NLTT sau năm 2030.
Tuy nhiên, báo cáo này đánh giá: Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả về mặt chi phí, Việt Nam nên tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực NLTT từ trước năm 2030, với nhu cầu điện tăng thêm sẽ được đáp ứng chủ yếu bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) kể từ năm 2025.
Báo cáo cho rằng Việt Nam cần xem xét điều chỉnh cấu trúc mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam theo định hướng nền kinh tế với tăng trưởng cao hơn từ khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp sử dụng ít năng lượng; đặt ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho các phân ngành thuộc lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như ô tô, điện tử, pin, quang điện, chip và chất bán dẫn...
Tương lai nào cho giao thông xanh?
Tại báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kịch bản liên quan đến Giao thông xanh. Báo cáo đánh giá: Các thành phố lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ ô nhiễm không khí cao đáng báo động và có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. Ngành giao thông vận tải cùng với các ngành kinh tế khác đóng góp đáng kể vào tình trạng này. Các tiêu chuẩn hiệu suất cao hơn, bộ lọc bụi mịn và điện hóa, cùng nhiều giải pháp khác, có thể góp phần giảm thiểu những tác động nói trên.
Chiến lược Giao thông xanh (Quyết định 876/QĐ-TTg, 2022) đặt ra các chỉ tiêu quan trọng để phát triển ngành giao thông vận tải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Các chỉ tiêu này bao gồm tăng tỷ trọng phương thức vận tải sử dụng điện và năng lượng xanh, bắt đầu từ năm 2025, cũng như kế hoạch chuyển dịch nhu cầu vận tải sang phương thức công cộng tại các đô thị chính.
Theo xu hướng tăng trưởng GDP giả định, vào năm 2050, nhu cầu vận tải hành khách ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng gấp 4 lần và vận tải hàng hóa sẽ tăng gấp 10 lần so với mức của năm 2019.
Các kịch bản của nhóm nghiên cứu đều được điều chỉnh để đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn cho ngành vận tải trong Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ cho các năm 2025 và 2030. Điều này đòi hỏi tất cả các xe buýt và taxi mới phải sử dụng điện hoặc nhiên liệu phi hóa thạch lần lượt vào năm 2025 và 2030 cho hai phương thức.
Số lượng ô tô và xe máy tư nhân lưu hành sẽ có thay đổi lớn trong tương lai, cả về quy mô và thành phần, phù hợp với mức tăng nhu cầu vận tải dự kiến cũng như xu hướng điện hóa.
Báo cáo cho thấy: Hiện có khoảng 2,4 triệu xe ô tô, gần như toàn bộ chạy bằng xăng. Vào năm 2050, chỉ có xe điện lưu thông trên đường với số lượng ô tô dự kiến là 10,5 triệu xe trong kịch bản cơ sở (BSL) và 9,6 triệu xe trong kịch bản phát thải ròng bằng không (NZ). Số lượng xe thấp hơn trong kịch bản NZ là do giả định có sự chuyển đổi phương thức từ ô tô cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng (đường sắt đô thị) ở các thành phố lớn.
Xe máy là phương tiện vận tải hành khách cá nhân chính hiện nay và vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải trong tương lai. Trong khi toàn bộ 48,3 triệu xe vào năm 2022 đều chạy bằng xăng, thì xe máy trong tương lai sẽ chủ yếu chạy bằng điện (94-97%) với 89-98 triệu xe vào năm 2050 theo các kịch bản được phân tích.
Các thông điệp và khuyến nghị chính của báo cáo là Việt Nam cần nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phân khúc vận tải hạng nặng để giảm tác động đến khí hậu và môi trường một cách hiệu quả về chi phí.
Báo cáo cho rằng cần tập trung điện hóa các phân khúc vận tải hạng nhẹ vì giải pháp này mang lại hiệu quả về mặt chi phí. Chuyển đổi sang phương tiện chạy điện (ví dụ như ô tô điện, xe máy điện, cũng như xe van và xe buýt) không chỉ là một biện pháp giảm tác động khí hậu mà còn mang lại cơ hội giảm chi phí y tế và môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Điện hóa toàn bộ ô tô và xe máy vào năm 2050 là lựa chọn tối ưu về chi phí trong tất cả các kịch bản phân tích, với sự thay đổi đáng kể về nguồn cung phương tiện bắt đầu từ năm 2030. Tuy nhiên, phương tiện giao thông điện (BEV) nên được xem xét đưa ngay vào quá trình chuyển đổi để cân nhắc các yếu tố như quán tính và hành vi trong quyết định mua sắm của các hộ gia đình.
Báo cáo khuyến nghị xem xét đặt mục tiêu 50% phương tiện giao thông hạng nhẹ sử dụng pin vào năm 2030 và 90% vào năm 2040; Cân nhắc cơ chế khuyến khích trong ngắn hạn (ví dụ trợ giá) khi mua phương tiện hạng nhẹ sử dụng pin, nhất là xe 2 bánh, cũng như có giá điện phù hợp tại các trạm sạc xe điện; Xem xét ưu tiên sử dụng hydrogen và nhiên liệu điện phân cho các phân khúc vận tải hạng nặng (xe tải chở hàng, hàng không và vận tải biển)
Trong bối cảnh phát triển công nghệ toàn cầu và chi phí phương tiện giao thông điện dự kiến sẽ giảm, tại Việt Nam, nhu cầu của người tiêu dùng đối với xe điện 2 và 4 bánh sẽ tăng rất nhanh trong thập kỷ này. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lưới điện và quy hoạch đô thị địa phương của Việt Nam hiện chưa được chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi đó.
Nhu cầu điện cho lĩnh vực vận tải sử dụng phương thức điện hóa sẽ tăng mạnh trong tương lai, cần khoảng 380 TWh điện vào năm 2050 theo kịch bản NZ, tăng lên mức 408 TWh trong kịch bản giao thông xanh (GT). Tương ứng, mức độ điện hóa trên tất cả các phân khúc giao thông vận tải sẽ tăng mạnh từ mức chiếm 0,4% tỉ trọng nhiên liệu vào năm 2022 lên đáp ứng 44% nhu cầu năng lượng trong giao thông vận tải vào năm 2050 trong kịch bản NZ.
Báo cáo khuyến nghị cần nghiên cứu xây dựng chiến lược đầu tư cấp quốc gia và cấp tỉnh để phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện theo tiêu chuẩn quốc tế; Tích hợp hạ tầng sạc xe điện, bao gồm tăng cường năng lực lưới điện phân phối cho trạm sạc, vào quy hoạch đường bộ và quy hoạch tỉnh, thành phố, đô thị trước 2030.