Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết nơi đây đã tiếp nhận một bé gái bị bỏng nặng vì bình ga mini. Bệnh nhân là em L.K.H.M (27 tháng tuổi).
Khai thác bệnh sử ghi nhận tai nạn xảy ra khi cả gia đình đang ngồi ăn cơm quanh bếp ga mini. Đột nhiên bếp phát nổ khiến bé M. và cha mẹ, ông bà đều bị bỏng. Ông bà bị thương nhẹ hơn nên được điều trị tại bệnh viện địa phương. Trong khi đó, bé M. và cha mẹ bỏng nặng, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi sơ cứu ở tuyến dưới.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ biểu hiện sốc với mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 40% ở tay, chân, mặt, ngực bụng. Các bác sĩ truyền dịch chống sốc cho trẻ, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Bỏng - Chỉnh hình điều trị tiếp.
Nhân viên y tế đã chăm sóc vết bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng vết thương của bé M. cải thiện và lành dần. Bác sĩ Tiến cũng cho hay cha mẹ của bé M. đang hồi phục và tiếp tục được điều trị ở bệnh viện khác.
Bác sĩ Tiến cảnh báo phụ huynh cần cẩn thận trong sinh hoạt hằng ngày để tránh các tai nạn đáng tiếc với trẻ nhỏ. Trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa nạn nhân ra nơi an toàn, xối nước mát lên vết thương rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu.
Người nhà không được bôi kem đánh răng, nước mắm, dấm, mỡ trăn chưa qua xử lý, lá cây,… lên vết bỏng của trẻ, sẽ làm cho vết thương nặng hơn và nhiễm trùng.