Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kể với bác sĩ, bệnh nhân cho biết một ngày trước, anh bị bóng đập vào vùng bìu khi đang chơi thể thao. Về nhà, anh thấy đau âm ỉ vùng kín nhưng không đi khám.
Tình trạng đau tăng dần sau một đêm. Đến khi vùng bìu trái đau dữ dội, lan lên vùng bẹn cùng bên, anh được đưa đi cấp cứu vào chiều cùng ngày. Bác sĩ phát hiện vùng bìu trái của bệnh nhân bầm tím và sưng nề nhiều, chẩn đoán chấn thương, vỡ tinh hoàn trái sau tai nạn sinh hoạt.
Chỉ định phẫu thuật cấp cứu được đưa ra ngay sau cuộc hội chẩn với ê-kíp gây mê. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cao Thắng, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết các thầy thuốc phẫu thuật lấy máu tụ, dẫn lưu, cắt lọc tổ chức hoại tử, bảo tồn tinh hoàn trái.
Do thời gian từ khi chấn thương tới khi phẫu thuật gần 24 tiếng nên phần lớn tổ chức tinh hoàn dính nhiều, gây khó khăn cho cuộc mổ. Sau gần 1 giờ phẫu thuật, tinh hoàn được bảo tồn thành công.
Theo các bác sĩ, thương tổn tinh hoàn do chấn thương thể thao khá hiếm gặp tuy nhiên hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chức năng sinh dục và tâm lý của bệnh nhân. Những chấn thương ở vùng nhạy cảm này cần được giám sát và theo dõi chặt chẽ, chỉ định mổ sớm nhất có thể để bảo tồn được chức năng của tinh hoàn lành.
Bác sĩ Thắng cho biết chỉ định bảo tồn tinh hoàn được đưa ra trong đa số các trường hợp, cắt bỏ tinh hoàn được đặt ra khi tinh hoàn vỡ nát hoàn toàn không khâu lại được.
Thầy thuốc khuyến cáo người chơi những môn thể thao mang tính chất đối kháng như judo, taekwondo, karate, đấu kiếm, đá bóng… cần đeo đồ bảo hộ bằng kim loại để tránh những thương tổn đáng tiếc. Khi bị chấn thương hoặc có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở chuyên khoa uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.