Theo bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tỷ lệ trẻ bị các rối loạn về tâm thần khá phổ biến, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa, tim mạch. Trường hợp điển hình là nam sinh tên H. (13 tuổi, trú tại Hà Nội) đang phải điều trị rối loạn lo âu kéo dài.
H. là con cả trong gia đình có hai anh em, tiền sử khỏe mạnh. Cách đây 1 năm, nam sinh này tham gia học nhóm với các bạn trên lớp. Sau đó, cậu bé thay đổi tính tình, ít nói hơn, ngại giao tiếp, luôn có trạng thái lo lắng, bất an và sợ mình ảnh hưởng tới các bạn.
Hằng ngày, H. đắn đo trước mọi việc như liên tục mở - đóng cửa nhiều lần mới quyết định đi ra ngoài. Khi cầm đồ vật trên bàn, cậu sẽ nhấc lên, hạ xuống, tâm lý lo sợ, không chắc chắn. Trên đường đi học, em sợ tai nạn, rủi ro xảy ra. Ở lớp, H. không chơi với bạn.
Gia đình đưa con tới một phòng khám tư nhân, bác sĩ chẩn đoán rối loạn tâm lý và cho sử dụng thuốc trầm cảm. Gần đây, con lại có biểu hiện bất thường nên được mẹ đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần khám.
Tại đây, bác sĩ Tuyết cho biết nam sinh hợp tác trò chuyện, khai thác tiền sử không có gì khác lạ. H. vẫn giao tiếp với gia đình bình thường. Tuy nhiên, em ngại tham gia hoạt động với bạn bè xung quanh.
Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh nghi thức. Bác sĩ chỉ định điều trị tâm lý và thuốc chống trầm cảm. Hiện, nam bệnh nhân đã ổn định hơn.
Thông tin ca bệnh được bác sĩ Tuyết chia sẻ tại tổ chức hội thảo về Rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên do Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 19/8.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn lo âu ở trẻ em, thanh thiếu niên không phải hiếm gặp. Thống kê của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ về sức khỏe tâm thần trẻ em từ năm 2016 tới 2019 cho thấy các vấn đề lo âu, hành vi và trầm cảm là chẩn đoán sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ em trong đó lo âu phổ biến nhất, xuất hiện nhiều ở độ tuổi từ 12-17.
Biểu hiện của bệnh
- Né tránh: Trẻ có thể tránh các hoạt động học tập và xã hội, chẳng hạn như tới trường, tham gia tiệc tùng, cắm trại.
- Cần sự trấn an quá mức: Trẻ có thể tìm kiếm sự trấn an quá mức hoặc lặp đi lặp lại do lo sợ nhiều chuyện.
- Kết quả học tập kém: Trẻ thiếu tập trung trong lớp hoặc gặp khó khăn để hoàn thành các bài kiểm tra trong thời gian quy định.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, lo lắng về việc mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc biểu hiện đau kịch tính. Vì vậy, cha mẹ dễ nhầm lẫn đưa con đi khám các chuyên khoa như tiêu hóa, tim mạch... Một số trẻ có hành vi chống đối và gặp các vấn đề về giấc ngủ.
Do đó, bác sĩ Yến khuyến cáo phụ huynh quan tâm con hơn, khi trẻ có biểu hiện như trên cần được khám cả ở chuyên khoa tâm thần để phát bệnh.